NSND Trần Tiến: Một cuộc đời đa sắc

NGUYỄN HIẾU 03/03/2023 13:51

Trong số những diễn viên gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam được xếp vào thế hệ vàng của sân khấu Việt, tôi có quan hệ thân thiết với 3 nghệ sĩ nhân dân (NSND), đó là Doãn Châu, Trọng Khôi và Trần Tiến.

NSND Trần Tiến.

Người sinh ra để tạo tiếng cười

Tôi gặp và được NSND Doãn Châu dìu dắt để bước vào làng kịch từ năm 1990 khi ông giới thiệu kịch bản “Nước mắt đàn ông” của tôi cho Đoàn Kịch nói Hà Nam Ninh.

Tôi biết NSND Trọng Khôi bắt đầu khi ông diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vào năm giữa những năm 90 của thế kỉ trước và trở thành bạn thù tạc với ông khi ông đã nghỉ hưu và đang lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Với Trần Tiến thì ly kì hơn. Đầu tiên từ góc độ một khán giả yêu kịch, tôi đã mê Trần Tiến, một diễn viên mang phong cách hài từ trong máu. Với cách diễn hài tự nhiên, dung dị dường như ông sinh ra để diễn tạo tiếng cười.

Cảm nhận này của tôi đối với phong cách hài của Trần Tiến bắt đầu khi tôi xem ông đóng vai gã cao bồi trong vở kịch “Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông”, tôi thực sự khâm phục và bị cuốn hút bởi cách diễn của Trần Tiến khi ông đóng một vai xuất hiện không nhiều trong vở diễn “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Trong vai ông tiên đánh cờ Đế Thích, có thể nói là một vai phụ trong vở diễn lừng danh này. Thoại không nhiều, hành động cũng chẳng bao nhiêu mà Trần Tiến đã dựng được hình tượng một vị tiên ông khoái hoạt, ham vui đến độ quên sự trời, sự đời để rồi chỉ vì một sai lầm nho nhỏ của mình mà tạo ra bi kịch cho số phận một con người. Từ cái nheo mắt, đến cách nhả chữ trong lời thoại rất kiệm lời đến cái phẩy phất trần tưởng như bông lơn, vu vơ đã trở thành những bài học kinh điển về cách diễn hài của Trần Tiến.

Gần đây trong nhiều bài viết hay phong cho diễn viên đại từ “danh hài” một cách tuỳ tiện. Để được gọi là danh hài thì không chỉ là cách diễn hài, là đài từ, động tác hài mà hơn bao giờ hết người diễn viên hài đó phải tạo ra hình tượng nhân vật hài.

"Vua hề" Sác-lô đã tạo ra nhân vật con người bất hạnh, đáng thương, ngơ ngác trước sự xâm thực công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, hay các loại hề trong chèo đã dựng được hình tượng người nông dân thông minh và có phần ma lanh dùng câu nói, tiếng cười của mình để đả phá tầng lớp cường quyền kiểu như nhân vật mẹ Đốp trong vở “Quan Âm Thị Kính”, hay phù thuỷ trong vở “Kim Nhan”, hay gần chúng ta nhất là NSND Trần Tiến bằng cách diễn hài xuất chúng của mình đã dựng lên hàng loạt hình tượng hài từ ông Đại Cát trong vở “Quẫn” - vở hài đúng nghĩa đầu tiên của sân khấu Việt.

Vai Nghêu trong vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Tiên cờ Đế Thích trong “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, nhân vật Jooc với câu nói nằm lòng khán giả “Suốt ngày dài lại đêm thâu. Ta lại đi trên đất Phi châu” trong vở “Hòn đảo Thần Vệ nữ”, nhân vật lý trưởng trong vở “Quan Âm Thị Kính”, gã Hoài nghi trong vở “Chuông đồng hồ điện Kremlin”…

Sau khi mê cách diễn hài của NSND Trần Tiến, tôi rất muốn có dịp được gặp ông thì bất ngờ thời cơ đã đến. Đó là vào năm 1996, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Huy Hoàng khi thực hiện bộ phim 2 tập dựa trên kịch bản “Làng êm ả bên sông” của tôi đã cho mời hàng loạt diễn viên nổi tiếng vào vai các nhân vật của phim. Đó là các diễn viên: Phương Thanh, Thu An, Kim Sinh… Riêng nhân vật lái đò đầu tiên Nguyễn Huy Hoàng mời NSND Trần Tiến. Khi thấy tôi có vẻ băn khoăn vì tính cách ông lái đò dường như hoàn toàn trái ngược với cách diễn hài của Trần Tiến, nhưng vị đạo diễn này nói ngay: “Anh xem Trần Tiến thủ vai Nguyễn Trãi trong vở “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” chưa?”.

Nghe câu hỏi của Nguyễn Huy Hoàng tôi thần người ra một lúc để rồi khâm phục cách nhìn và chọn diễn viên của đạo diễn. Xem vở kịch dựng theo kịch bản của Nguyễn Đình Thi, ta lại thêm một lần thấy sự đa sắc của tài năng diễn xuất của NSND Trần Tiến.

Dưới cách diễn như gắn chặt vào nhân vật, ta thấy Nguyễn Trãi do Trần Tiến thủ vai hiện ra một nhà trí thức lớn, một vị đại thần có công khai quốc, trầm tĩnh, đôn hậu đang mang nặng chữ “nhẫn” của một vĩ nhân luôn gắng chịu sự thiệt thòi, bình tâm để đời và thiên hạ hiểu mình. Thế mới hay không chỉ ở hài mà ngay trong chính kịch, NSND Trần Tiến cũng tạo ra được dấu ấn khó quên bằng chính tài năng đa dạng của ông.

Trong lần đi tìm cảnh quay cho bộ phim “Làng êm ả bên sông” (sau đổi là Chuyện đột ngột của làng ven sông), tôi được gặp Trần Tiến ngay trên chuyến phà. Nghe ông nói, nhìn những biểu hiện của ông, tôi mới gần như vỡ lẽ để hiểu ra sự thanh lịch, hào hoa và am hiểu của người đàn ông Hà Nội gốc. Khi biết quê tôi ở Chèm, Trần Tiến gật gù nói khẽ: “Làng chú trước đây thuộc Phủ Hoài Đức, tiếp quản Thủ đô mới về Quận 5 Hà Nội. Ít nhiều kịch bản phim này cũng có hình bóng làng và dòng sông Cái chảy qua”. Tiếc rằng sau đó vì công việc của Nhà hát, Trần Tiến không tham gia được và thay vào đó là diễn viên Huy Công.

NSND Trần Tiến bên 3 con gái tài sắc Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Ảnh tư liệu.

Cách diễn tài hoa

NSND Trần Tiến là một diễn viên ngôi sao đa dạng, nhiều màu sắc. Song mỗi khi nhắc về ông thì chất hài vẫn là âm điệu chủ đạo, nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông. Vì sao vậy? Điều này có nguyên nhân sâu xa không chỉ bắt đầu từ năng khiếu của ông cùng với những điều từ giai đoạn khởi đầu vào nghề.

Trần Tiến sinh vào ngày cuối cùng của tháng 11 năm 1937 tại căn nhà 136 phố Quán Thánh, Hà Nội. Khi ông 17 tuổi thì anh trai ông là Trần Văn Nghĩa phụ trách Đoàn văn công Trung ương về tiếp quản Thủ đô. Theo gợi ý của anh, Trần Tiến ra nhập đoàn văn công và sinh hoạt trong nhóm kịch của nhà thơ - kịch sĩ Thế Lữ. Nhóm kịch đang cần một diễn viên thủ các vai hề chèo như: hề mồi, hề gậy và Trần Tiến đã được phân công đảm nhận và diễn khá thành công vai diễn này.

Sau vài năm, NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long phát hiện ra năng khiếu kịch của Trần Tiến nên khuyên ông chuyển sang kịch. Để rồi đến năm 1961 Trần Tiến trở thành học viên của khóa diễn viên đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu. Học cùng khóa với ông là hàng loạt học viên sau này hầu hết trở thành các ngôi sao sáng của nền sân khấu và điện ảnh Việt Nam như: Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Cao Khương, Ngọc Hiền, Thanh Tú…

Nếu tính từ năm 1954 Trần Tiến vào nghề đến năm 1997 là năm về hưu ông đã đóng hàng vài chục vai trên sân khấu và cũng hàng chục vai trên màn ảnh. Các vai ông đóng thật đa dạng. Từ các vai chính diện đến phản diện, thậm chí ông còn đóng cả vai trẻ em là em Ngọ trong vở “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Nhưng điều đáng nói là trong tất cả các vai ông đóng các nhà chuyên môn cũng như đồng nghiệp, khán giả trong và ngoài nước đều công nhận.

Ông có tới 21 vai tiêu biểu trên sân khấu và 13 vai nổi tiếng, ghi đậm trong mắt người xem ở mảng điện ảnh. Với điện ảnh ông có các vai để đời như: Viên chủ sự (phim Nguyễn Văn Trỗi), thầy Đồ (phim Thằng Bờm), ông bố (phim Tự thú trước bình minh), cố vấn ái tình (phim Kén rể), nhà văn Phan (phim Hà Nội 12 ngày đêm), ông nội Bi (phim Bi, đừng sợ)…

Trong các vai đó, số lượng vai hài được Trần Tiến bằng tài năng bẩm sinh và cách diễn tài hoa của mình đã biến thành các hình tượng hài sâu sắc chiếm số lượng lấn át. Đến độ không ít nhân vật hài do ông sáng tạo trên sàn diễn cũng như trên màn ảnh có lúc không có tên cụ thể mà chỉ có danh phiếm chỉ nhưng vẫn ghi đậm trong lòng khán giả, trở thành những nhân vật khó quên như: Thượng đế (phim Năm ngày làm thượng đế), cố vấn ái tình (phim Kén rể), cao bồi (vở Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông), Nghêu (vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến), người cha (vở Người cha thô bạo)…

Với sở trường diễn hài như vậy và với tài năng đó người xem thấy sự tự nhiên, cách gây cười tưởng như dễ dàng, bẩm sinh, nhưng nghe Trần Tiến bộc bạch về nghề mới hay. Đó thực sự là một mục tiêu mà ông tâm niệm cả đời cũng như ông dành cả sự nghiệp của mình để phấn đấu. Ông nói: “Cái hài và cái hề nó khác nhau. Một đằng là tiếng cười sinh lý, cảm tính. Còn một đằng là tiếng cười tâm lý, nhận thức - nghĩa là tiếng cười sâu sắc…

Cái hài bao giờ cũng phải gắn liền với tâm lý, tính cách nhân vật với những tình huống kịch nên nó thường sâu hơn, lắng hơn. Cười đấy những phải suy nghĩ. Có khi cười đấy nhưng đằng sau lại là nước mắt… Hài mà đạt đến trí tuệ, có nội dung tâm lý xã hội lại mang thêm tính giáo dục về giáo dục thẩm mỹ nữa thì là “siêu” quá rồi còn gì”.

Danh hài - NSND Trần Tiến đã đi xa, nhưng tiếng cười hào hoa, trí tuệ và phong nhã trên sân khấu và điện ảnh vẫn lưu mãi trong lòng khán giả đã từng xem ông và thưởng thức tài năng tuyệt vời ở ông.

NGUYỄN HIẾU