Nhìn lại một năm vượt khó sau đại dịch của ngành Y tế
Hôm nay (27/2) là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp tôn vinh các y, bác sĩ, những người đang làm việc trong ngành Y tế. Cùng nhìn lại một năm vượt khó sau đại dịch Covid-19 của ngành Y tế.
Khống chế thành công đại dịch Covid-19
Đây được coi là một trong những thành công nổi bật của ngành Y tế trong thời gian vừa qua. Cho đến thời điểm này, mỗi ngày cả nước chỉ ghi nhận dưới 50 ca mắc Covid-19 mới, số ca tử vong thấp, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường, không còn nỗi ám ảnh đếm số ca nhiễm mới.
Đây là nỗ lực to lớn của ngành Y tế Việt Nam trong suốt thời gian dài đối phó với Covid-19. Cả nước chuyển sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Chiến dịch Vaccine chưa từng có trong lịch sử
Trong thời gian vật lộn với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã tổ chức triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam đã xác định Vaccine Covid-19 là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch.
Theo đó, chiến lược Vaccine của nước ta tập trung vào các nội dung chính: Thành lập Quỹ Vaccine; triển khai ngoại giao Vaccine; tổ chức chiến dịch tiêm chủng Vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Chúng ta đã thực hiện thành công Chiến lược Vaccine trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, tiếp cận rất khó khăn ở giai đoạn đầu của cuộc chiến phòng chống dịch.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 26/2, cả nước đã tiêm tổng cộng hơn 266 triệu liều Vaccine Covid-19. Trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 223 triệu liều; Cho trẻ từ 12-17 tuổi là gần 24 triệu liều; Cho trẻ từ 5-11 tuổi là hơn 18.5 triệu liều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, Việt Nam là quốc gia có số liều Vaccine phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ Vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng Vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển.
Hoàn thiện thể chế
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua, ngành Y tế cũng đã tập trung công tác hoàn thiện thể chế, trong đó được phê duyệt nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành: Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tích cực nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100% theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Nâng cao chất lượng ngành Y
Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Ngành Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu.
Đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19. Nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, chuyển đổi số y tế… tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cường nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.