Ngày 27/2: Cà phê tăng giảm trái chiều, tiêu ổn định, giá cao su đồng loạt giảm
Phiên giao dịch ngày 27/2, giá cà phê tăng giảm trái chiều tại thị trường trong nước và thế giới, giá tiêu ổn định. Trong khi giá cao su giữa tháng 2 đồng loạt giảm mạnh.
Cập nhật giá cà phê
Giá cà phê trong nước:
Nhờ đà tăng giá của 3 tuần liên tục, trong ngày giao dịch đầu tuần, giá cà phê tại các tỉnh như: Lâm Đồng phổ biến ở mốc 46.800 đồng/kg; Gia Lai 47.200 – 47.300 đồng/kg. 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông phổ biến ở 47.300 đồng/kg.
Như vậy, so với mở đầu ngày thu mua tuần trước (20/2), giá cà phê trong nước đã tăng 1.500 đồng/kg. Tính cả 3 tuần liên tiếp, giá cà phê đã tăng tới 4.000 – 4.400 đồng/kg.
Giá cà phê thế giới:
Ngược với đà tăng trong nước, trên thị trường thế giới phiên giao dịch 27/2 lại duy trì đà giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London (Anh) giao tháng 5/2023 giảm 0,46% (tương đương 10 USD) tại mức 2.151 USD/tấn.
Cà phê arabica giao tháng 5/2023 tại New York đạt mức 187,7 US cent/pound, giảm 1,05% (tương đương 2 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h10 (giờ Việt Nam).
Các kỳ hạn giao hàng còn lại lần lượt khớp giá: tháng 7/2023 là 186 cent/lb, tháng 9/2023 là 183,75 cent/lb, và tháng 12/2023 đạt 181,65 cent/lb.
Cập nhật giá tiêu
Giá tiêu trong nước:
Giá tiêu chững lại trong khoảng 64.500 - 67.000 đồng/kg tại thị trường nội địa.
Hiện tại, mức giá thấp nhất là 64.500 đồng/kg tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai.
Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang ghi nhận cùng mức giá 65.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu đi ngang tại mức tương ứng là 66.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Kiên Giang, năng suất hồ tiêu bình quân hiện nay chỉ đạt khoảng 1,8 - 2 tấn/ha, giảm gần một nửa so với mức năng suất cao của cây trồng này.
Theo nhiều nông dân, do vài năm trở lại đây giá tiêu giảm mạnh, nông dân trồng tiêu liên tục gặp cảnh thua lỗ nên không có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn tiêu.
Ông Nguyễn Văn Màu, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông dân trồng tiêu Phú Hòa, xã Ngọc Hòa cho biết, hiện giá hồ tiêu tăng nhẹ so thời điểm cuối năm 2022, từ 60.000 đồng/kg lên 68.000 - 70.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp, nông dân trồng tiêu khó có lợi nhuận.
Giá tiêu thế giới:
Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 24/2 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 23/2 hầu như không đổi.
Cụ thể, tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 3.606 USD/tấn, giảm 0,19%. Tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.950 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA ở mức 4.900 USD/tấn, không đổi.
Tiêu trắng Muntok ở mức 6.079 USD/tấn, giảm 0,2%. Tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.
Cập nhật giá cao su
Giá cao su trong nước:
Theo khảo sát, trong 10 ngày giữa tháng 2, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố ổn định so với 10 ngày trước đó, tiếp tục duy trì quanh mức 230-288 đồng/TSC. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 270-280 đồng/ TSC.
Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 286-288 đồng/TSC. Tại Gia Lai, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó.
Giá cao su thế giới:
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 3/2023 đạt mức 207 yen/kg, giảm 0,86% (tương đương 1,8 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h20 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2023 được điều chỉnh xuống mức 12.370 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,76% (tương đương 95 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), nguồn cung cao su tự nhiên dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới do bệnh đốm lá hoành hành tại các đồn điền ở miền Bắc Indonesia và miền Nam Malaysia.
Dịch bệnh đốm lá có thể dẫn đến tổn thất năng suất ước tính 30% tại các đồn điền. Sự suy giảm sản lượng tác động tiêu cực đến sinh kế của các hộ cao su tiểu điền địa phương, khiến nhiều người bỏ cao su để trồng các loại cây khác.
Năm 2022, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 382,32 nghìn tấn, giảm 18,6% so với năm 2021.
Xuất khẩu cao su của Malaysia trong năm 2022 đạt 622,1 nghìn tấn, giảm 4,8% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Malaysia trong năm 2022.
Trong năm 2022, Malaysia nhập khẩu 1,17 triệu tấn cao su tự nhiên, giảm 2,5% so với năm 2021.
Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia trong năm 2022 đạt 426,48 nghìn tấn, giảm 15% so với năm 2021.
Dự trữ cao su tự nhiên tại Malaysia tính đến cuối tháng 12/2022 đạt 201,36 nghìn tấn, giảm 29,4% so với cuối năm 2021.