Đổi màu những 'dòng kênh đen'
TP Hồ Chí Minh đã thành công với việc biến những “dòng kênh đen” Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Hàng Bàng thành không gian xanh. Gần đây, thành phố tiếp tục đẩy nhanh dự án cải tạo 2 tuyến kênh Xuyên Tâm và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Người dân đang đặt nhiều kỳ vọng về những thay đổi này.
Mong mỏi bên dòng nước đen
Là người sinh sống lâu năm ở khu vực chợ Cầu (phường 14, quận Gò Vấp), ông Nguyễn Thanh Phong (63 tuổi) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng này, chứng kiến dòng kênh Tham Lương từ lúc còn trong xanh cho tới khi chuyển màu đen kịt như hiện nay. Tình trạng bốc mùi, ô nhiễm ở kênh Tham Lương đã diễn ra chừng 30 năm trở lại đây, khi khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở khu vực. Trước đó, ghe, thuyền ở bên Lái Thiêu, Biên Hòa hay dưới Chợ Đệm vẫn đi lại ngang qua đây buôn bán. Nhưng từ lâu rồi kênh không còn ghe tàu nữa”.
Cách đó khoảng gần 10km tại khu vực rạch Bến Cát (chảy qua địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12), bà Nguyễn Thị Vân (67 tuổi) cho biết, con rạch này đã thay đổi rất nhiều những năm qua. “Rạch Bến Cát chạy từ phía kênh Tham Lương, trước kia dân ở đây đều gọi là sông Tham Lương, sông Bến Cát với sông Vàm Thuật. Sau đó rạch cứ nhỏ dần lại dù vẫn chảy ra tới sông Sài Gòn. Gia đình tôi ở đây lâu rồi chứ có nhiều nhà họ thấy rạch ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nên bán nhà tìm nơi khác ở rồi” - bà Vân nói và cho biết thêm những lúc trời nắng nóng, mùi hôi từ rạch bốc lên rất khó chịu, cách gần trăm mét vẫn ngửi thấy. Còn trời mưa thì nước nhiều, chảy mạnh nên bớt mùi nhưng thường xuyên đổi màu (đỏ, trắng...). Vì vậy, bà Vân mong muốn dự án nhanh chóng được hoàn thành, không chỉ giúp người dân có môi trường sống xanh sạch hơn mà gia đình bà còn được chuyển đổi lối đi phía sau nhà thành mặt đường dọc ven kênh.
Không chỉ bà Vân, ông Phong mà hàng nghìn người dân sinh sống dọc trục kênh Tham Lương - Bến Cát rạch Nước Lên kéo dài từ phía Tây Nam của TPHCM sang tận bờ sông Sài Gòn (dài 32km) đều có chung tình cảnh. Họ đều mong mỏi dự án sớm hoàn thành để dòng nước dưới kênh được trong xanh, còn trên bờ thì có đường đi thông thoáng.
Trong khi đó, dù chỉ dài khoảng 8km nhưng dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp) cũng tác động tới hàng nghìn người. Dự án này được triển khai từ hơn 20 năm trước nhưng gần như chưa thực hiện được hạng mục nào. Hiện nay TPHCM đã quyết định chi 6.650 tỉ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng những hộ dân hai bên bờ rạch Xuyên Tâm. Đây được coi là hạng mục khó khăn, phức tạp dù thực tế phần lớn hộ dân bị ảnh hưởng của dự án này lại là những người lấn chiếm trái phép rạch, hành lang bảo vệ rạch. So với dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên thì dự án rạch Xuyên Tâm quan trọng hơn bởi nó nằm ở trung tâm thành phố.
Nỗ lực đổi màu kênh đen
TPHCM vừa chính thức khởi động lại dự án cải tạo trục kênh Tham Lương - Bến Cát- Rạch Nước Lên. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sau nhiều nỗ lực, thành phố đã tái khởi động lại (giai đoạn 2) dự án quan trọng này. Ông Mãi cũng yêu cầu các sở ban ngành, lãnh đạo địa phương dự án đi qua tích cực phối hợp, triển khai đồng bộ các chỉ đạo để dự án được thực hiện xuyên suốt, nhanh chóng.
Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo tuyến kênh (chủ đầu tư dự án) cho biết, tổng chiều dài dự án hơn 63km gồm đường dọc 2 bên bờ kênh quy mô từ 7 tới 12 mét và vỉa hè 3 mét, cầu, cống và bến thuyền, đèn chiếu sáng, cây xanh... Dù dự án bị tạm ngưng một thời gian dài (từ năm 2017) nhưng hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành đúng tiến độ (năm 2025). Hiện nay hạng mục quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng đã gần như hoàn tất. Đặc biệt, dự án cũng được bố trí đầy đủ nguồn vốn với ngân sách của Trung ương và địa phương. Hiện nay dự án được chia thành 10 gói thầu chính và thực hiện đồng thời để nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành.
Tuy quy mô chỉ khoảng từ 3 tới 8 mét nhưng trục kênh rạch Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên rất quan trọng với nhiều quận huyện ở phía Tây Nam TPHCM. Ngoài tạo dòng chảy thông thoáng dưới nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì trục đường 2 bờ kênh cũng được kỳ vọng tạo sự thay đổi đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.
Sau những thành công về việc cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm và rạch Hàng Bàng, việc cải tạo và biến dòng kênh “chết” Tham Lương - Bến Cát, Rạch Nước Lên trở lại trong xanh là mục tiêu hàng đầu của TPHCM thời gian tới. Dự án không chỉ mang tới môi trường sống xanh sạch hơn mà còn mang tới hạ tầng đường bộ, giảm tải cho một số tuyến đường hiện hữu trong khu vực.
Lập nhóm làm sạch kênh rạch
Gần đây, nhóm bạn trẻ Sài Gòn Xanh, gồm những sinh viên, người đi làm đã tập hợp nhau lại với mục đích dọn rác, làm sạch những dòng kênh. Sau khoảng 4 tháng thành lập, nhóm đã dọn rác ở 40 đoạn kênh rạch khắp thành phố. Hình ảnh những người trẻ lội xuống những đoạn kênh đen kịt để vớt rác thải, chai nhựa đưa vào các khu vực cho xe rác vận chuyển đi đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Hiện nay công việc của nhóm Sài Gòn Xanh dù hoàn toàn tự nguyện, tự bỏ chi phí nhưng lan tỏa tới được nhiều người, đặc biệt là thông điệp không vứt rác xuống kênh rạch ở thành phố.