TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới
Đánh giá cao tiềm năng hoạt động đầu tư phát triển của TP Hồ Chí Minh, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kỳ vọng thành phố tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư với nhiều doanh nghiệp FDI công nghệ cao.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, trong tháng 1/2023, TP HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 50 dự án đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 1/2023, thành phố đã thu hút được hơn 179 triệu USD vốn FDI, bằng 173,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện các doanh nghiệp (DN) nước ngoài khẳng định, TP HCM luôn là điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng. TPHCM còn là một thị trường tiêu dùng bùng nổ, hấp dẫn của du khách quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Alain Cany, cho biết: Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu.
Kỳ vọng vào việc thu hút vốn FDI, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho rằng, thành phố cần tạo ra một làn sóng thu hút vốn FDI lần thứ 3 bằng việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Đây sẽ là nền tảng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính để phát triển những dự án lớn. Theo ông Hòa, TP HCM đã qua 2 làn sóng đầu tư. Làn sóng thứ nhất, đã thu hút FDI và hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp. Làn sóng thứ hai có chọn lọc hơn theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư. Vì vậy, thu hút nhiều DN FDI công nghệ cao sản xuất hàng đầu thế giới như: Intel, Samsung, Nidec Sankyo...
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, từ nay đến 2025, TP HCM sẽ công bố các lĩnh vực kêu gọi đầu tư cùng những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. Thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, dù đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại TPHCM, song không ít DN nước ngoài vẫn mong muốn thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn nữa. Ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi là pháp lý công bằng, minh bạch. Đồng thời, coi trọng sự đổi mới, duy trì và tăng trưởng. Ông Michele D’Ercole - Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam cho rằng cơ sở hạ tầng và chất lượng sống tốt sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Tuy nhiên TPHCM đang gặp các vấn đề về xử lý nước, rác thải. “Tôi sống làm việc tại thành phố hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thấy sự cải thiện triệt để ô nhiễm tại một số dòng sông. Việc này cần khắc phục” - ông D’Ercole nhận xét.
Chia sẻ với những trăn trở của nhà đầu tư nước ngoài, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, thành phố đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng công chức. Ông Mãi yêu cầu các sở, ngành rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư cho DN. “Chủ đề năm 2023 là Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy thành phố sẽ tập trung nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư” - ông Mãi nói.
Năm 2022, đóng góp của khối DN FDI với kinh tế TP HCM chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách đạt 78.112 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, chiếm 61% kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố.