Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển

Hoàng Minh – Phạm Sỹ 28/02/2023 05:38

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), ngày 27/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Quang cảnh hội thảo.

Văn kiện mang tầm Cương lĩnh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã toả sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.

Ông Thắng cũng cho biết, từ yêu cầu thực hiện 3 nguyên tắc “dân tộc hóa”; “đại chúng hóa”; “khoa học hóa” trong cuộc vận động văn hoá thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ðảng ta đã bổ sung, phát triển thành những thuộc tính “nhân dân”, “nhân văn” và “dân chủ” của nền văn hóa, góp phần xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ lớn, phức tạp trong thực tiễn phát triển văn hóa, con người hôm nay, như: mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa xây và chống, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa văn hoá đại chúng và văn hoá tinh hoa…

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Khởi nguồn từ tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh” của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: Phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy.

“Một mặt, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị đỉnh cao; kiên quyết bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta” – ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Phát huy giá trị của Đề cương

Tổng kết tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; đồng thời là diễn đàn học thuật quan trọng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố những nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa giá trị lớn lao, bền vững của Đề cương; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của văn kiện trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được trong suốt 80 năm qua; nhận diện những vấn đề cần bổ sung, phát triển, từ đó đề xuất những giải pháp để tiếp tục kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị của Đề cương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc của đất nước.

Cũng theo ông Nghĩa, Hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Đề cương đã thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, khẳng định văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Cùng với thành quả nghiên cứu và những tư liệu lịch sử đã công bố, thêm một lần nữa chứng minh và khẳng định giá trị to lớn, toàn diện của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho phát triển văn hóa. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi ngày càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021), đó là xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 27/2, triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 80 bức ảnh quý. Phần 1 giới thiệu những hình ảnh được chụp và lưu trữ từ năm 1945 đến nay, giới thiệu nhiều hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Phần thứ hai của triển lãm là những hình ảnh về những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Việt Nam như: “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp…

Hoàng Minh – Phạm Sỹ