Khó khăn về mặt bằng, Dự án QL 9 kết thúc thời gian thực hiện
Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã có văn bản về việc tạm bàn giao nguyên hiện trạng Dự án Nâng cấp, mở rộng QL 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL 1A (dự án QL 9).
QL 9 (tại tỉnh Quảng Trị) đoạn từ cảng cá Cửa Việt đến QL 1A là tuyến giao thông quan trọng phía Bắc của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết nối trung tâm tỉnh lỵ là TP Đông Hà với Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, Khu bến cảng Cửa Việt và các khu đô thị, khu công nghiệp đa ngành phía bắc Khu kinh tế Đông Nam.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tuyến đường này đã được đầu tư từ năm 1997, quy mô đường cấp III đồng bằng; sau hơn 20 năm sử dụng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.
Ngày 22/4/2020, tỉnh Quảng Trị có Tờ trình số 1970/TTr-UBND đề nghị đầu tư nâng cấp QL 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL 1A từ nguồn vốn còn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Sau đó, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 1384/QĐ-TTg ngày 4/8/2021 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 1939/QĐ-BGTVT ngày 11/11/2021 với tổng mức đầu tư 440,368 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 31/12/2022. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Quảng Trị bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương và thực hiện tiểu dự án GPMB theo quy định.
Tuy nhiên, vì những lý do chủ quan và khách quan, công tác GPMB không đảm bảo tiến độ bàn giao để hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022.
Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã có văn bản về việc tạm bàn giao nguyên trạng dự án QL 9 sử dụng vốn dư của dự án VRAMP.
Theo đó, do khó khăn về mặt bằng, dự án QL 9 đã không hoàn thành đúng tiến độ. Vào tháng 1/2023, WB đã có ý kiến chính thức không gia hạn Hiệp định vay, như vậy dự án QL 9 đã kết thúc thời gian thực hiện.
Trong thời gian các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận phương án thay đổi nguồn vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục triển khai thi công, hoàn thành dự án, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất phương án tạm tiếp nhận lại phạm vi mặt bằng chưa được thi công.
Đồng thời, đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị thống nhất phương án với Ban Quản lý dự án 3 (Đại diện chủ đầu tư) tạm bàn giao nguyên trạng đoạn tuyến đang khai thác thuộc phạm vi dự án QL 9 để quản lý, khai thác.
Điểm lại những khó khăn trong công tác GPMB thực hiện dự án, UBND tỉnh cho hay, thời gian chuẩn bị dự án từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến khi được chấp thuận rút vốn mất quá nhiều thời gian (11 tháng).
Thủ tục thực hiện dự án ODA quá phức tạp, WB yêu cầu phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo khung chính sách của nhà tài trợ (kể cả trường hợp không phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam) trong khi dự án GPMB do tỉnh Quảng Trị thực hiện thuộc nguồn ngân sách địa phương.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, trong quá trình triển khai dự án chưa có sự thống nhất quan điểm về giải pháp thiết kế của Bộ Giao thông vận tải và công tác GPMB của tỉnh.
Bên cạnh đó, tổng giá trị bồi thường tăng (từ 75 tỷ đồng lên 345,3 tỷ đồng) và các đoạn còn lại đã kiểm kê áp giá đền bù hoàn thành nhưng do chưa được gia hạn thời gian hoàn thành dự án nên tỉnh Quảng Trị chưa thể chi trả tiền cho người dân.
UBND tỉnh Quảng Trị nhận định, việc dự án QL 9 không được tài trợ, công trình thi công sẽ dang dở, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư; gây mất lòng tin đối với người dân; khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và trong quản lý phần diện tích đất đã thu hồi.