Nam Định: ‘Nóng’ các ý kiến liên quan việc thu hồi đất
Vấn đề thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giải quyết tranh chấp đất đai, việc ghi tên trên sổ đỏ…nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tổ chức, các ngành, các giới ở Nam Định.
Ngày 28/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với sự tham dự đóng góp ý kiến của đại diện nhiều tổ chức thành viên cũng như thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh.
Liên quan đến nội dung thu hồi đất, Điều 78 của dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất (1) Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án do Nhà nước đầu tư để tạo quỹ đất; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; (2) Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đồng thời, đã quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất.
Góp ý nội dung này, ông Bùi Đức Long, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho rằng quy định như trên không khác nhiều với quy định của Luật đất đai các giai đoạn trước. Từ thực tế làm công tác quản lý, điều hành của chính quyền trước đây ông Long cho rằng quy định như vậy có thể làm phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa các bên liên quan.
Ông Long nêu ví dụ, đối với việc thu hồi đất phục vụ cho dự án Khu đô thị mới thì khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của người dân định giá rất thấp. Nhưng khi đất được giao lại cho doanh nghiệp thì giá trị đất thương mại tăng lên gấp nhiều lần, người có ruộng đất bị thu hồi nhìn thấy rất rõ mức chênh lệnh này và mâu thuẫn phát sinh. Tương tự như vậy là đối với các dự án xây dựng Khu công nghiệp.
Một trường hợp khác, theo nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đó là việc nhà nước thu hồi đất phục vụ việc xây dựng nghĩa trang. “Đối với những dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang kiểu như Công viên Vĩnh Hằng, một dạng Khu đô thị cho người đã mất thì nhà nước có cần thiết phải đứng ra thu hồi đất không?”, ông Bùi Đức Long đặt vấn đề.
Từ đó, ông Bùi Đức Long góp ý Dự thảo luật cần rà soát, thu hẹp các trường hợp nhà nước thu hồi đất, nếu quy định quá rộng sẽ trở thành gánh nặng cho các cơ quan nhà nước. Theo đó, nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với những dự án đầu tư công, phục vụ lợi ích của số đông như trường học, công trình công cộng, xử lý môi trường…
Liên quan vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Khoản 2 Điều 89 của dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…
Góp ý nội dung này, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho rằng nội dung “đảm bảo thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” là ý rất tốt nhưng không thực tế, khó khả thi.
“Đảm bảo chỗ ở và các điều kiện sống khác thì được rồi nhưng mà bảo đảm bảo thu nhập thì không làm nổi. Tôi lấy ví dụ, một hộ đang có 20 m2 đất mặt đường, họ bán hàng ăn, mỗi ngày thu nhập khoảng 500 nghìn đồng, mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Nay bị thu hồi, phải lên sống ở trên tầng cao thì làm sao chính quyền đảm bảo thu nhập bằng hoặc tốt hơn trước đây cho họ được. Thôi thì phải bằng các cách hỗ trợ khác, như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chẳng hạn nên không thể quy định như vậy trong luật được”, ông phân tích.
Ngược lại ý kiến của ông Bùi Đức Long, ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nam Định lại cho rằng cần phải giữ nguyên quy định đảm bảo thu nhập cho người có đất bị thu hồi ở nơi ở mới. Theo ông Nguyễn Phú Hậu, ngoài nhà ở và các điều kiện khác thì thu nhập là vấn đề mấu chốt đối với gia đình phải di dời. Trên thực tế có nhiều hộ mất hết sinh kế, thu nhập khi phải di dời. Từ đó, ông kiến nghị phải tạo việc làm cho họ tại dự án trước đó họ đã di dời để xây dựng. “Đối với các dự án công nghiệp, họ không làm việc được thì phải lưu ý đến đời con cháu họ phải được ưu tiên vào làm việc”, ông Nguyễn Phú Hậu nói.
Cùng chung kiến nghị phải rà soát, thu hẹp diện các dự án nhà nước ưu tiên thu hồi đất với ông Bùi Đức Long, ông Vũ Xuân Trường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ nhiệm Hội Luật gia tỉnh, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nêu thêm nhiều ví dụ bất cập khác về việc quy định quá rộng các trường hợp nhà nước thu hồi đất, từ đó nhìn nhận: “Nói là thu hồi đất vì lợi ích quốc gia nhưng như vậy liệu có chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp?”.
Đơn cử, theo ông Vũ Xuân Trường, một số dự án xây chùa, rộng cả nghìn ha, nói là của tổ chức tôn giáo nhưng chủ dự án thực sự lại là doanh nghiệp. Sau đó kinh doanh đủ loại dịch vụ trong đó, thu lợi nhưng lại không đóng thuế cũng như tiền thuê đất thì rất bất cập. Đối với những dự án như vậy, theo nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định nhà nước cũng phải đứng ra ưu tiên thu hồi đất thì cần phải xem xét lại, có quy định riêng sao cho phù hợp.
“Tiếp xúc với người dân nhiều người nói rằng nếu làm trường học giá đền bù nào chúng tôi cũng chấp hành nhưng mang đất ra kinh doanh thì nhất định phải áp dụng mức đền bù theo giá thị trường”, ông kể.
Vấn đề dự án được giao đất nhưng không được chủ đầu tư sử dụng, để không kéo dài nhưng chậm được thu hồi hoặc không được thu hồi cũng được ông Vũ Xuân Trường nhìn nhận là một bất cập lớn, cần được Luật mới điều chỉnh.
“Nhiều trường hợp lập dự án, xin được đất rồi cứ để đấy, đầu tư dang dở. Máy móc hoen gỉ hết rồi nhưng ai muốn vào thay thế đầu tư thì phải trả giá như thiết bị mới, rất khó thay thế được, vì họ biết cứ giữ được đất là có lợi”, ông liên hệ.
Góp ý vào nội dung giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai, ông Vũ Xuân Trường cho biết luật trước đây quy định, các tranh chấp đất đai, nếu thuộc diện có sổ đỏ hoặc các giấy tờ tương đương thì khi người dân khởi kiện Tòa án sẽ tiếp nhận xử lý. Còn những tranh chấp đất đai diện không có giấy tờ thì đầu tiên chính quyền cấp xã phải có trách nhiệm hòa giải; hòa giải không thành thì mới đưa lên cấp huyện giải quyết, vẫn chưa được thì khi đó người dân mới có quyền lựa chọn hai phương án là đề nghị chính quyền cấp tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định, dự thảo luật mới “đẩy” hết việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai, kể cả những tranh chấp đối với loại đất đai không có giấy tờ như đất lấn chiếm, chiếm dụng… cho tòa án giải quyết và cho rằng đây là việc bất cập.
“Tòa án là cơ quan tài phán, cơ quan phán quyết và phải dựa vào các quyết định của cơ quan hành chính để mà phán quyết. Khi cơ quan hành pháp đã giải quyết rồi mà dân không thông thì mới đến cơ quan tài phán cuối cùng giải quyết. Chứ bây giờ cơ quan hành chính chưa giải quyết gì thì tòa lấy đâu căn cứ, cơ sở để mà phán quyết. Cho nên đẩy hết sang tòa thì chưa nói đến việc tòa không thể làm hết vì quá nhiều miệc mà mới chỉ nói đến việc không có căn cứ để phán quyết đã là bất cập”, ông Vũ Xuân Trường phân tích và nêu quan điểm đồng thời kiến nghị việc này nên giữ nguyên các quy định theo luật cũ.
Liên quan đến việc ghi tên người trên sổ đỏ, theo Chủ tịch Hội Khuyến học Nam Định Nguyễn Phú Hậu, Dự thảo luật mới quy định chỉ ghi tên chủ hộ là bất cập. Ông kiến nghị nên duy trì theo truyền thống, ghi như cũ. “Đất đai cha ông để lại là rất thiêng liêng và cũng rất nhạy cảm. Nếu chỉ ghi tên một chủ hộ sẽ dễ dẫn đến kiện cáo. Một đời đời đỡ, đến các đời sau sẽ càng phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan xử lý”, ông phân tích.
Tại hội nghị, nhìn dưới góc độ giới, bà Lê Thị Thúy Nhài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiến nghị Dự thảo luật cần đảm bảo quyền lợi của phụ nữ liên quan đến đất đai. Bà nêu ví dụ, trường hợp con dâu trong gia đình không được hưởng quyền thừa kế liên quan đến đất đai của gia đình nhà chồng là một bất cập.