Gia tăng lao động bị cắt giảm việc làm
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) bị giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI, chiếm 75%...
1.300 doanh nghiệp bị giảm đơn hàng
Anh Nguyễn Quốc Trung (công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, hiện nay anh đã quen với việc làm công nhật. Những ngày không có việc, anh tranh thủ đi đưa hàng hoặc chạy xe ôm. “Nhiều công nhân từ trước Tết đã phải nghỉ luân phiên vì công ty bị giảm đơn hàng, ra Tết nhiều lao động vẫn ở quê vì chưa có việc nhưng được công ty cho hưởng 70% lương cơ bản. Bản thân tôi vẫn có việc nhưng làm luân phiên cách nhật. Nhiều lúc cũng muốn nhảy việc nhưng tìm hiểu thấy đây là tình trạng chung của phần lớn các doanh nghiệp (DN) nên tôi không chuyển đi đâu nữa. Chạy xe ôm với đi giao hàng cũng kiếm thêm 300 – 400.000 đồng mỗi ngày nên tôi cũng đủ trang trải tiền nhà, tiền học cho con” - anh Trung chia sẻ.
Không phải nghỉ việc luân phiên nhưng chị Ngô Thùy Giang, công nhân Công ty may Đáp Cầu (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, mấy tháng nay không có thêm thu nhập từ làm thêm giờ. Ngoài tiền lương ít ỏi (4 triệu đồng/ tháng) chị Giang không có thêm khoản thu nhập nào. “Tôi làm công nhân may hơn 10 năm, chưa khi nào thấy ngành may gặp khó và hiếm đơn hàng đến vậy”. Từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 DN (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các DN FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Kỳ vọng phục hồi
Thực tế tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Những khó khăn này có thể kéo dài, khiến việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Đánh giá về thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng đưa ra nhận định, một số DN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới. Hiện có gần 650 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các DN, trong đó chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75 nghìn lao động. Mặc dù vậy, theo Bộ LĐTB&XH, thời gian tới thị trường lao động sẽ có nhiều khởi sắc bởi bước sang năm 2023, tình trạng DN không có đơn hàng cũng đã giảm.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường lao động trong thời gian tới sẽ ấm dần lên khi các giải pháp của Chính phủ về thúc đẩy xuất khẩu triển khai có hiệu quả. Theo PGS.T.S Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động thì việc đầu tiên là phải tìm kiếm được đơn hàng. Để làm được việc này, các DN phải cùng với hiệp hội ngành nghề, tham tán, Đại sứ quán của các quốc gia nắm lại thị trường truyền thống của mình, xem có gì thay đổi, thay đổi như thế nào, thay đổi ra sao để từ đó sản xuất hàng hóa theo thị hiếu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới và phục hồi được thị trường lao động.
“Khi lạm phát cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô ổn định thì hy vọng rằng, trong năm 2023, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở cửa một cách toàn diện, kinh tế thế giới phát triển mạnh hơn, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục. Theo đó, hết quý I, thị trường lao động có thể thu hút được một lực lượng lao động tương đối lớn” - ông Thịnh nhận định.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, để giải quyết bài toán việc làm trong bối cảnh hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ Chính phủ đến các cơ quan trung ương và địa phương. “Chúng tôi cũng đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hỗ trợ cho DN vay để trả lương trong thời gian người lao động phải ngừng việc, hoặc cho vay để DN phục hồi sản xuất” - bà Hà cho hay.