Xã hội hóa trong giáo dục: Bao giờ hết lùm xùm?
Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã có từ lâu và được thể hiện rõ trong các văn bản hướng dẫn từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, cách làm của nhiều trường khiến phụ huynh bức xúc.
Sai phạm trong xã hội hóa
Vừa qua, UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã có văn bản số 06/KL-UBND kết luận nội dung tố cáo đối với Ban giám hiệu Trường Mầm non Cự Khê. Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức thu tiền điều hòa, rèm cửa năm học 2022-2023 không đúng quy định là tố cáo đúng. Một số sai phạm như tổ chức vận động tài trợ khi chưa được Phòng GDĐT huyện phê duyệt, quá trình tuyên truyền đến phụ huynh học sinh còn thể hiện sự giới hạn đối tượng ủng hộ (học sinh mới vào trường) và quy định mức ủng hộ, thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền tài trợ…
Trước đó, cuối năm 2022, Sở GDĐT Cà Mau đã có kết luận về việc Trường THCS - THPT Tân Lộc vận động tiền xã hội hóa để mua sắm camera, tivi và một số trang thiết bị khác qua việc giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm thu mỗi lớp trên 10 triệu đồng là chưa đúng quy định. Đặc biệt, việc vận động này diễn ra trong tình hình dịch bệnh, trong khi các hạng mục này chưa phải là nhu cầu cấp thiết, gây khó khăn cho phụ huynh. Điều đáng nói, số tiền này được giao chỉ tiêu xuống lớp và giáo viên dựa trên tổng số học sinh của lớp rồi cào bằng số tiền cho từng em, gây bức xúc trong phụ huynh.
Việc các trường vận động tài trợ trong hoạt động giáo dục là câu chuyện không mới và diễn ra ở hầu hết các trường trong cả nước, từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT… ở các mức độ khác nhau và không giống nhau ở từng năm học. Trong điều kiện nguồn kinh phí nhà nước có hạn, việc vận động tài trợ để có thêm chi phí sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị cần thiết trong nhà trường do hàng năm sử dụng có xuống cấp, hư hỏng… hoặc phát sinh các hạng mục mới cần thiết để phục vụ cho việc dạy và học của thầy trò được đảm bảo là việc bình thường và được hầu hết các phụ huynh ủng hộ. Dẫu vậy, trong thực tế thực hiện có những khoản xã hội hóa khiến phụ huynh “phản ứng” dữ dội, bức xúc.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết - ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với các trường công lập, ngân sách chỉ có thể cấp kinh phí để trang bị quạt máy cho các phòng học. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết ở nhiều tỉnh, thành phố nắng nóng, đa số phụ huynh có nhu cầu cho con được học trong phòng máy lạnh. Tương tự, nhiều khoản khác cũng như vậy nên phải xã hội hóa là đương nhiên. Nhưng việc phân bổ, giao chỉ tiêu theo kiểu cào bằng từng lớp, từng học sinh khiến phụ huynh bức xúc thì trách nhiệm đầu tiên, lớn nhất là hiệu trưởng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, nhiều trường khi thực hiện xã hội hóa vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phụ huynh học sinh là vì làm sai quy định. Việc xã hội hóa phải được thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh thì một số trường bằng cách này hay cách khác ép phụ huynh phải đóng cho đủ.
Đáng lẽ việc vận động phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện, dựa trên khả năng của từng gia đình nhưng một số trường lại đưa ra mức thấp nhất phải đóng; có trường còn lấy danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu tiền. Thậm chí, một số ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường đã và đang bị “biến tướng”, khiến cho các phụ huynh lầm tưởng rằng ban này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là lập ra các khoản rồi đi thu tiền.
Để ngăn chặn tình trạng này, hiệu trưởng không thể đứng ngoài hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh mà phải định hướng và chịu trách nhiệm liên đới. Nếu để xảy ra lạm thu, dù là ban đại diện cha mẹ học sinh thu thì hiệu trưởng nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông Lâm cũng cho rằng, các nhà trường nên cân nhắc việc chỉ thực hiện xã hội hóa từ một đối tượng duy nhất: Phụ huynh học sinh. Có thể tìm được nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp... để gánh nặng xã hội hóa không dồn tất cả lên vai phụ huynh.
Theo ông ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, ngay cả nhiều trường dân lập cũng có những khoản kêu gọi tự nguyện đóng góp gây bức xúc trong phụ huynh nên không ai khác, hiệu trưởng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm. Chỉ khi xử lý nghiêm người đứng đầu mới ngăn chặn được tình trạng này tái diễn.