Đừng mải chạy theo trào lưu IELTS
Nhiều trường học trên cả nước đang sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên vào lớp 6 và lớp 10.
Năm học 2022-2023, hàng loạt trường THPT của Hà Nội thông báo tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển với những thí sinh đạt IELTS từ 5.5-6.5 trở lên đi kèm với các điều kiện khác, như Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, THCS và THPT Lê Quý Đôn, THPT Lương Thế Vinh, THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
Trong đó, Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh tuyển thẳng vào lớp 10 với thí sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố, hoặc đạt 5.5 IELTS trở lên. Riêng những học sinh đạt giải Toán, Vật lý, Hóa học, Khoa học, tiếng Anh hoặc có chứng chỉ 6.0 IELTS trở lên, trường cấp học bổng 10-100 triệu đồng.
Như vậy có thể thấy, khi thí sinh sở hữu chứng chỉ IELTS ở mức từ 5.5 có cơ hội trúng tuyển không cần tham gia thi tuyển ở nhiều trường THPT dân lập có thương hiệu ở Hà Nội. Một số trường cho biết, đây không phải là năm đầu tiên có chính sách tuyển sinh này mà đã áp dụng từ năm 2022. Đơn cử, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp trong năm 2022 đã có 21 học sinh được tuyển thẳng với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chiếm 5,2% trong tổng số 405 học sinh lớp 10.
Tại nhiều trường học ở các địa phương khác, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được dùng để xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên vào lớp 6 và lớp 10, như tỉnh Nghệ An có chính sách xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương vào lớp 10 công lập từ năm 2021. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị miễn thi và tính điểm 10 tiếng Anh chung cho học sinh thi vào lớp 10 có IELTS từ 4.0 hoặc tương đương.
Dù vậy, vẫn chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào về việc những thí sinh được tuyển thẳng vào lớp 6 hay lớp 10 bằng chứng chỉ tiếng Anh IELTS hay các chứng chỉ quốc tế khác đạt kết quả học tập ra sao sau 1-2-3 năm học tại các trường, có đáp ứng yêu cầu học tập của nhà trường hay không? Nếu có thì ở mức độ nào?
Trong khi để sở hữu các chứng chỉ quốc tế này, riêng chi phí để thi cũng lên đến tiền triệu, không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Đặc biệt, để đạt được kết quả 5.5 trở lên với học sinh phổ thông là việc không dễ dàng, nhiều em phải đến các trung tâm luyện thi để được hướng dẫn làm bài còn tự ôn tập thì khó đạt kết quả tốt nhất. Vì cách dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay không đáp ứng được tất cả yêu cầu của bài thi IELTS nói riêng và những chứng chỉ quốc tế khác nói chung. Như vậy, rõ ràng, điều này là không khả thi với những gia đình có điều kiện kinh tế ở mức trung bình.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay một số phụ huynh, nhà trường muốn hướng con mình, học sinh của mình đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ. Đó là mặt tích cực nhưng nếu vì để có ưu thế hơn trong “cuộc đua” tuyển sinh mà đua nhau đầu tư cho con học ngoại ngữ thì lại là một sự “biến tướng”. Ngoại ngữ phải là năng lực thực sự, thì học sinh đó sau này mới trở thành công dân toàn cầu thực sự. Đặc biệt, có phụ huynh ép con đi học luyện, học vì điểm số, học cấp tốc,... trong khi bản chất của việc học luyện này cũng không khác gì chuyện chỉ dùng một số mẹo để đạt được điểm số yêu cầu - mà điểm số đó lại không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, phụ huynh cần cân nhắc, có lựa chọn đầu tư đúng đắn cho con. Đừng chỉ chạy theo những chứng chỉ, những kỳ thi… mà cần học thật, học chất lượng và suy nghĩ về tương lai. Chẳng hạn, khi xã hội hướng đến “phổ cập” IELTS thì năng lực ngoại ngữ của con em mình sẽ ra sao?