Đảm bảo lợi ích người dân khi thu hồi đất
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định cụ thể nhằm từng bước hạn chế khiếu kiện, bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.
Theo ông Thường, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Do đó, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác, gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất. Việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
“Dự thảo Luật cần bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở, cây cối, ao hồ... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng” - ông Thường đề xuất.
Liên quan đến việc lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại Điều 68, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Thường cho rằng, việc lấy ý kiến công dân có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ, làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở, liên quan mật thiết đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi thực hiện quyền công dân tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Thường, trong các quy phạm Luật Đất đai hiện hành và các bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay, chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế tổ chức lấy kiến nhân dân ở cơ sở về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã theo phương châm dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới được ban hành. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, nhất là những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố; lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố ở cấp huyện và cấp xã.
“Cần công khai bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND xã và tại điểm dân cư ở các thôn, bản, tổ dân phố. Việc tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố với thành phần đại diện hộ gia đình, bảo đảm ít nhất phải có trên 50% số gia đình cử đại diện đến họp” - ông Thường nêu ý kiến.
Góp ý về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ông Đỗ Duy Thường đề xuất, dự thảo Luật cần có quy phạm quy định thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sao cho đơn giản, nhanh chóng. Nhất là lược bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân trong nộp thuế, các lệ phí…