Nhiều hậu quả đáng tiếc khi mang thai ở tuổi vị thành niên
Hiện nay trẻ vị thành niên sinh con có xu hướng tăng. Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng qua các năm.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên (15-19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ vị thành niên độ tuổi 15-19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái lứa tuổi này.
TS. BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên – Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai... Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỷ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành. Về mặt kinh tế - xã hội, khi có thai ở tuổi vị thành niên phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm... Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Đồng thời, việc làm mẹ sớm có thể dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý…
Đáng nói, do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành.
Theo TS. BS Đỗ Minh Loan, cha mẹ cần quan tâm trò chuyện với con cái nhiều hơn. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.