Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn gặp khó
Chiết khấu cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ là câu chuyện nóng trong kinh doanh xăng dầu và cũng là bức xúc của hầu hết các DN bán lẻ. Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc một DN tại Trà Vinh cho biết, hơn một năm qua, nhiều DN bán lẻ xăng dầu đã bán hàng với chiết khấu 0 đồng, âm vốn.
Cảnh báo cạnh tranh không lành mạnh
Theo ông Tây, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, chi phí định mức kinh doanh với xăng RON 95 là 1.050 đồng một lít, E5 RON 92 là 1.250 đồng một lít và lợi nhuận định mức 300 đồng một lít. Các DN đầu mối sẽ tính toán trong khoản này để thỏa thuận mức chiết khấu cho các thương nhân phân phối, bán lẻ. Khi đầu mối lỗ, họ dùng khoản này để bù vào nên cắt chiết khấu. Khâu bán lẻ phải có chiết khấu 5-6% trên giá bán, chủ cây xăng mới đủ trang trải chi phí hoạt động trả lương cho nhân viên, điện nước, lãi ngân hàng, tiền mặt bằng. Nếu không phân chia rõ, sau này thị trường sẽ tái diễn bất ổn.
Ông Tây cũng cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi yêu cầu khi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu cần cho DN bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn. Chính vì Nghị định 95 cho DN bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi duy nhất. Nên thời gian qua đã đứt gãy nguồn hàng và nguy cơ sẽ còn tiếp diễn. Để thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là: quy định chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cho DN bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm và quy định cho DN bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là 3 nơi để đảm bảo nguồn hàng.
Trong khi đó, nhiều DN bán lẻ xăng dầu cho rằng, các thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với DN bán lẻ, được hưởng quá nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng nhiều nơi. Với quy định như hiện nay và dự thảo sửa đổi của Nghị định 83 và Nghị định 95, dễ dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Các DN bán lẻ luôn ở vào thế bị chèn ép.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, cơ quan quản lý xăng dầu cần giải quyết ngay bất cập trước mắt là đưa ra giải pháp để hệ thống bán lẻ không lỗ. Theo ông Cung, bán lẻ là khâu quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng xăng dầu, nên phải duy trì, phát triển chứ đừng để mắt xích này hao mòn.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không nên thả nổi chiết khấu giữa các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Nhà nước vẫn định giá mặt hàng này khi sửa Nghị định 95 thì cần tính toán hợp lý cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu. Tức là nên quy định tỷ lệ chiết khấu tối thiểu cho khâu bán lẻ để họ có lãi, hoặc không lỗ.
Kỳ vọng khắc phục bất cập
Nhìn lại năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Tỷ giá đồng USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu DN; sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các DN kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các DN đầu mối. Bên cạnh đó, sản xuất xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (ở thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)... gây khó khăn về nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giá xăng dầu được xác định theo giá thị trường. Tức là trên cơ sở giá sản xuất, nhập khẩu, cộng với các chi phí để hình thành giá cơ sở. Giá bán lẻ ra thị trường không được vượt quá giá cơ sở và giá bán tại vùng sâu vùng xa (vùng 2) không được vượt quá 2% giá cơ sở.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng sửa Nghị định 95 tới đây sẽ khắc phục được những bất cập trên thị trường xăng dầu, như giá cơ sở tính đúng, đủ chi phí kinh doanh, hay rút ngắn kỳ điều hành giá từ 10 ngày xuống 5-7 ngày để sát hơn thị trường. Để hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỷ lệ chiết khấu tối thiểu…); công thức giá xăng dầu; phương thức điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu…
Được biết, tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 là 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu áp dụng từ 15h00 chiều ngày 1/3. Trong kỳ điều chỉnh lần này giá mặt hàng xăng đồng loạt giảm. Cụ thể, giá xăng RON95-III giảm 120 đồng/lít về mức 23.320 đồng/lít; giá xăng E5RON92 cùng giảm 120 đồng/lít nên giá bán sau 15h00 chiều nay sẽ là 22.420 đồng/lít. Tuy nhiên, giá các mặt hàng dầu có loại tăng, có loại giảm. Cụ thể, dầu diesel trở về mức 20.250 đồng một lít, giảm 550 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 20.470 đồng, giảm 370 đồng, dầu mazut tăng 300 đồng, có giá mới là 14.550 đồng/kg.