Dư địa lớn cho ngành bán lẻ

Khanh Lê – Minh Sang 02/03/2023 06:43

Dù chịu sự tác động của lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, song điều đó không mấy ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bán lẻ. Giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Tuy nhiên, để giữ thị phần, các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh bằng chất lượng tốt, giá cả hấp dẫn...

Các nhà bán lẻ nội có nhiều cơ hội trên “sân nhà”. Ảnh: Quang Vinh.

Thực tế, khi năm 2023 bắt đầu, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào khu vực dịch vụ. Song tổng mức bán lẻ thì chưa có nhiều cải thiện.

Sức mua giảm

Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, đầu năm 2022, anh Nguyễn Quốc Doanh (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ với mô hình cửa hàng tiện ích. Trong đó, hàng hóa ưu tiên là đồ gia dụng, thực phẩm đồ ăn, thức uống bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thảo dược. Tuy nhiên, cho dù đưa ra nhiều chiến lược maketing song 2 cửa hàng bán lẻ của anh Doanh, thu không đủ để trả lương, thuê mặt bằng… Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, lượng khách, đơn hàng giảm hơn 50% so với năm 2022. Từ chỗ mỗi cửa hàng anh Doanh phải thuê 3 nhân viên, 2 thu ngân và 1 giao hàng thì nay cửa hàng rút xuống chỉ còn 1 nhân viên vì quá vắng khách. Để cứu vãn tình thế, cửa hàng thường xuyên chạy khuyến mãi không lợi nhuận để kích cầu nhưng cũng không ăn thua.

Được mệnh danh là “trùm đại lý” bán lẻ khu dân cư, song chị Đỗ Thu Nguyệt, chủ đại lý Thu Nguyệt (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trước kia trung bình mỗi tháng, số tiền để nhập hàng các loại khoảng 1 - 2 tỷ đồng/tháng thì nay mỗi tháng chỉ nhập 500 triệu đồng tiền hàng. “Nếu trước đây, các sản phẩm sâm tươi, nấm linh chi, mỹ phẩm nhập khẩu là những dòng sản phẩm cho doanh thu lớn thì nay rất ế ẩm. Giờ sản phẩm chiến lược “nuôi” cửa hàng là các mặt hàng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như: mì tôm, bột giặt, gạo… Để giữ khách, đại lý có chính sách giao hàng miễn phí với đơn hàng từ 100 nghìn đồng” - chị Nguyệt chia sẻ.

Không chỉ các đại lý, cửa hàng tiện lợi mà nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn cũng đang trong tình thế thấp thỏm vì sức mua giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh - Giảng viên tại Đại học Kinh tế quốc dân, sức cầu yếu không chỉ bởi thu nhập sụt giảm. Nguyên nhân còn do các thị trường tài sản giảm giá mạnh với đà đi xuống của vốn hóa cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản. Mặt bằng lãi suất cao đang khiến cho chi phí cơ hội, tiêu dùng đắt đỏ hơn nên người dân tiết kiệm hơn, do đó ảnh hưởng đến sức cầu.

Còn nhiều dư địa cho bán lẻ nội bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Những điểm sáng

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mục tiêu năm 2023 là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8%-9%. Để cán đích mục tiêu tăng này, Bộ Công thương đẩy mạnh tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết số 01/2023-NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến.

Theo giới chuyên gia, bán lẻ nội còn nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Song, để giữ thị phần, DN Việt cần cạnh tranh một cách công bằng, với việc đưa đến những sản phẩm giá chất lượng tốt, giá cả hấp dẫn. Ông Quách Thế Phương - Giám đốc tư vấn Ipsos Việt Nam, nhận định: "Các nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội bởi sân chơi bán lẻ trong tay mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, đưa ra những chiến lược mới, trải nghiệm mới, tăng doanh thu, lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… Đây là cơ sở để thúc đẩy DN bán lẻ nội địa cùng phát triển”.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam năm nay dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt nhưng cùng với đó sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đáng lo ngại là áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá tăng cao, chi phí đầu vào tăng tạo sức ép lớn lên hoạt động sản xuất; mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.

“Năm 2023, chúng tôi phấn đấu mục tiêu doanh số tăng trưởng 4,0% so với cùng kỳ, ước khoảng gần 32.000 tỷ đồng. Để đạt con số này, chúng tôi sẽ cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hoá, chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hoá trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị và hiệu quả các mô hình bán lẻ...” - ông Đức cho biết.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao:

Minh bạch về giá và chất lượng

Dù ảnh hưởng lạm phát người dân thắt chặt chi tiêu song thị trường nội địa vẫn được xem là đích đến cho DN. Tuy nhiên việc khai thác tốt thị trường nội địa, quay trở lại sân nhà đối với nhiều DN cũng không phải là việc dễ dàng. Ngoài các mặt hàng đã có thương hiệu, sản phẩm đưa vào thị trường nội địa cũng cần đảm bảo chất lượng, giá cả, minh bạch được về nguồn gốc xuất xứ mới có thể thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Làm được điều này đòi hỏi DN phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Thêm nữa, DN cũng cần củng cố lại chất lượng sản phẩm để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí những DN sản xuất năng động có thể tự thiết kế ra dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội:

Tăng cường kết nối cung – cầu

Nhằm hỗ trợ DN kích cầu tiêu dùng cũng như thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích".

Đồng thời triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; Rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung kết nối cung - cầu. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng.

TS Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Tăng đầu tư công, tạo việc làm cho người dân

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng bán lẻ giảm chỉ còn ở mức đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Theo tôi đây vẫn là con số chấp nhận được. Còn 2 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), tức là vẫn tăng.

Tuy nhiên chúng ta nhìn thấy những áp lực rất lớn từ lạm phát kinh tế thế giới, trong khi đó nước ta là nước nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Vì vậy bên cạnh giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cần có những giải pháp, gói hỗ trợ tăng thu nhập cho người dân để từ đó kích thích tiêu dùng. Các gói hỗ trợ bao gồm, hỗ trợ an sinh xã hội, tăng đầu tư công để tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập…

Khanh Lê – Minh Sang