Lãi suất huy động nhiều ngân hàng sắp giảm, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất?
Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ sớm điều chỉnh giảm từ 0,2% - 0,5%/năm.
Lãi suất huy động hạ nhiệt
Sau khi các ngân hàng thương mại được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng cũng đạt được sự đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động 0,5% trước ngày 6/3.
Như vậy sẽ có một làn sóng giảm lãi suất mới trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, có tác động tích cực tới những người có nhu cầu vay vốn vì chi phí vốn vay sẽ giảm tương ứng.
Không chờ đến mốc giảm lãi suất từ thứ Hai (6/3) tuần sau, ngân hàng OCB đã đồng loạt hạ 0,5% lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ 6 -12 tháng.
Trước đó khoảng 3 tuần, ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng hiện hữu, mức giảm tới 2%/năm.
Các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận, lãi suất huy động trên thị trường đã giảm bình quân 1% so với giai đoạn cao điểm năm 2022. Trong khi lãi suất cho vay ra đã giảm 1,5 - 2%/năm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi với quy mô từ vài nghìn cho tới vài chục nghìn tỷ đồng, nhằm cung ứng vốn với chi phí hợp lý hơn cho doanh nghiệp.
Hiện lãi suất huy động trung dài hạn của các ngân hàng, với kỳ hạn 6 tháng quanh mức 8,2 - 8,8%/năm. Kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 9 - 9,4%/năm.
Gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất?
Cập nhật bảng lãi suất huy động mới nhất của các ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất niêm yết cao nhất cho các khoản tiền gửi dưới 50 tỷ đồng hiện neo ở mức 9,5%/năm. Tuy nhiên, với số tiền lớn hơn vẫn có ngân hàng đưa ra lãi suất hấp dẫn tới 10,7%/năm.
Cụ thể, 10,7%/năm là lãi suất niêm yết cao nhất tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) và cũng là mức huy động cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.
NamABank áp dụng lãi suất này cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12, 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ và được phê duyệt của Tổng giám đốc.
Đây không phải ngân hàng duy nhất áp dụng lãi suất trên 10%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khi gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 13 tháng, khách hàng cũng được hưởng lãi suất tới 10,1%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vốn là 2 ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất tiệm cận mức 10%/năm hồi đầu tháng trước thì nay đã đồng loạt hạ xuống.
Lãi suất cao nhất tại SCB và NCB lần lượt là 9,5%/năm cho tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12, 13 tháng hoặc gửi online từ 6 tháng và 9,45%/năm cho tiền gửi trực tuyến Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 12 đến 30 tháng.
Nhiều ngân hàng có cùng mức huy động cao nhất 9,5%/năm như: Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)...
Nhìn chung, trừ NamABank và OCB thì có tới 20 trong số 35 ngân hàng thương mại được khảo sát đang có lãi suất huy động cao nhất từ 9%/năm trở lên; trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank)...
Trong khi đó, tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ổn định với mức 6 - 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng và 7,4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.