Duy ý chí cả khi… làm nhà

Phúc Văn 03/03/2023 07:00

Nhiều năm qua và cũng có thể thêm nhiều năm nữa Hà Nội cần diện tích nhà ở xã hội rất lớn cho người lao động, cũng như chỗ ở mới tái định cư. Ước muốn thì nhiều, kỳ vọng đã nhiều nhưng vấn đề vẫn chưa sáng tỏ. Vì vậy, việc mới đây Hà Nội dự tính chuyển khu ký túc xá nghìn tỷ đồng bỏ hoang thành nhà ở xã hội nhận được nhiều chú ý.

Đó là khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp. Được khởi công từ năm 2009, với kinh phí 1.900 tỷ đồng nhưng hiện chỉ có 2 trong 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) hoạt động, 4 khối nhà khác đang bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Khu ký túc xá này được xây dựng trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía Nam Thủ đô, nằm gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3, đường Giải Phóng.

Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Nhưng không thu hút được sinh viên dù giá thuê theo tháng khá thấp cho 1 phòng 8 người.

Được biết Hà Nội dự kiến dành khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 của dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê. Tương tự, nhà A4 cũng vào kế hoạch tu bổ. Do bỏ hoang, các toà nhà đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện gây lãng phí rất lớn, kéo dài. Công trình đã xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, người dân tận dụng những phần đất trong khu ký túc xá để trồng rau.

Cũng cần nói thêm rằng, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa. Cụ thể là gần 6 năm trước, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đã được Hà Nội đề xuất chuyển sang hình thức nhà ở xã hội để bán cho nhóm đối tượng thu nhập thấp và Bộ Xây dựng cũng đã đồng ý. Thời điểm đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đồng ý chủ trương chuyển đổi của UBND TP Hà Nội nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn trái phiếu Chính phủ thành vốn xã hội hóa có ưu đãi; phải tính toán cụ thể làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư.

Còn ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu vấn đề: “Sinh viên thì luôn luôn cần nhà nhưng tại sao nhà ở cho sinh viên thuê có giá rẻ lại ế? Cần đặt câu hỏi: Lúc làm dự án có nghiên cứu gì không? Đây là đầu tư bằng tiền Nhà nước, đầu tư không hiệu quả thì ai chịu trách nhiệm?”.

Theo cách đặt vấn đề của ông Liêm thì có thể hiểu là cũng rất cần phải thận trọng khi chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội cho thuê, để tránh việc trước kia đã không nghiên cứu kỹ lưỡng dẫn đến thất bại thì nay cũng có thể “theo vết xe đổ”.

Nhưng dẫu sao việc để một khu nhà ở cho sinh viên thuê được đầu tư từ ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ đồng ế ẩm, thì đó chính là thất bại của một dự án. Đáng tiếc, do hoang hóa nhiều năm, lãng phí càng thêm lãng phí, trong khi Hà Nội lại đang “kẹt” trong cái vòng luẩn quẩn nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp lẫn cả nhà ở dành cho người dân tái định cư. Trước kia đã từng có chuyện Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) xin thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư (150 căn hộ) thuộc khu đô thị mới Sài Đồng do người dân không nhận nhà. Khu nhà này được xây 6 tầng nhưng lại không có thang máy. Đây là dự án nhà tái định cư tại chỗ của dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong Khu đô thị Sài Đồng, được triển khai từ năm 2001-2006. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một điển hình về việc đầu tư xây dựng duy ý chí, đồng thời cũng cho thấy sự bất hợp lý trong chính sách tái định cư.

Phúc Văn