'Sức mạnh mềm' của lễ hội truyền thống
Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số(DTTS) ở nước ta đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đây được ví như “kho tàng” quý báu góp phần làm giàu nền văn hoá Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.
Kho tàng văn hóa quý giá
Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%). Mỗi dân tộc đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất, với quá trình phát triển của cả cộng đồng. Từ lâu, lễ hội được ví như một “bảo tàng” có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời tạo nên những thói quen của nếp sống mới. Các loại hình lễ hội có yêu cầu về không gian, thời gian, lễ thức riêng. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng, vừa hướng về nguồn cội, vừa cân bằng đời sống tâm linh đồng thời phản ánh những giá trị sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của cộng đồng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán, lối sống với những bản sắc riêng, mang tính đặc thù.
“Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có 2 dự án thành phần liên quan trực tiếp đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS, nhiều mục tiêu, nội dung đã được đặt ra, trong đó có mục tiêu bảo tồn 120 lễ hội, 80 bản làng, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch” – ông Y Thanh Hà Niê K'đăm nói.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, nhiều di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đã được tôn vinh là di sản văn hóa quốc gia và của nhân loại.
Có thể thấy, những lễ hội văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của đồng bào DTTS, làm phong phú hơn các giá trị văn hóa truyền thống. Đó là sự độc đáo, đặc sắc của Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ hội Lồng tồng của người Tày; Lễ hội Roóng poọc của người Giáy; Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen… Tất cả đều có những giá trị rất riêng, rất độc đáo của từng dân tộc.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Các DTTS giữ được rất nhiều di sản, nhưng chúng ta chưa thấy hết được sự đa dạng cũng như vai trò của chúng. Ở các DTTS có nhiều lễ hội, nhiều thực hành nghi lễ trong bản làng, gia đình, mà với đồng bào DTTS, đó cũng chính là di sản quý của cộng đồng, làng bản”.
Bảo tồn, phát huy giá trị
Tuy nhiên, thời gian qua việc nhiều địa phương khai thác kinh tế từ văn hóa bản địa đã làm nảy sinh những tác động tiêu cực đối với phát triển bền vững về văn hóa. Một số mô hình phát triển sinh kế đã làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, việc tổ chức bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống đã và đang được đặt ra cấp thiết. Giới chuyên gia đánh giá, việc bảo tồn và phục dựng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát huy giá trị văn hóa. Qua đó giới thiệu, quảng bá những giá trị của lễ hội truyền thống các dân tộc phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững.
Năm 2022, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã giao Vụ Văn hoá dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bảo tồn Lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Bên cạnh đó giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.
“Văn hoá của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn lực và sức mạnh mềm của sự phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS hiệu quả hơn nữa" - ông Y Thanh Hà Niê K'đăm nhấn mạnh.