Con đường 'tư nhân hóa' của DIC Corp
Việc DIC Corp phát hành cổ phiếu riêng lẻ khiến tỷ lệ sở hữu của Nhà nước liên tục bị pha loãng; trong khi đó, ở chiều ngược lại, gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn lại không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại doanh nghiệp này.
TTCP thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật
Ngày 27/2/2023, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE).
Cụ thể, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, TTCP sẽ tiến hành thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa tại DIC Corp. Thời gian thanh tra là 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Theo Quyết định số 49/QĐ-TTCP, đoàn thanh tra gồm 9 thành viên do ông Nguyễn Đức Hương, Phó Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực III (Cục III) làm Trưởng đoàn có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIG.
Ngay sau khi thông tin doanh nghiệp này bị TTCP thanh tra trong 30 ngày, cổ phiếu DIG lập tức giảm sàn xuống còn 12.600 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư bán giá sàn gần 15,5 triệu đơn vị (phiên 1/3). Như vậy, cổ phiếu DIG giảm đến 87% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 1/2022.
Liên quan đến vấn đề này, phía DIC Corp cho biết, hiện nay nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được TTCP kiểm tra, rà soát.
"Đây là hoạt động thường kỳ của TTCP cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay", thông cáo của DIC Corp nêu rõ.
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp
Về DIC Corp, doanh nghiệp này tiền thân là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1990. Sau đó, năm 1993, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình thành Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch rồi Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (năm 2001).
Đây là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng; hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, phát triển đô thị và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Năm 2007, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng.
Đến năm 2009, cổ phiếu DIG được niêm yết trên sàn, khi đó cơ cấu cổ đông lớn bao gồm cổ đông nhà nước sở hữu 65,06% vốn điều lệ, Công ty VinaCapital (VOF) là cổ đông chiến lược sở hữu 7,84% vốn điều lệ, còn lại là 27,1% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Cuối năm 2009, DIC Corp thực hiện phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần cho 25 nhà đầu tư cá nhân/ tổ chức để tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Việc này đã kéo tụt tỷ lệ sở hữu nhà nước từ mức phủ quyết chi phối 65% về còn 55,7%. Sau đó về còn 51,04% (năm 2015), rồi 49,65% (năm 2016).
Đến tháng 11/2017, Bộ Xây dựng thoái hết 118,3 triệu cổ phần DIG bằng phương thức bán khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Trong phiên 28/11/2017, có tới 128,4 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, phần lớn ở mức giá trần, với tổng giá trị 2.468 tỷ đồng.
Ngày 6/1/2018, DIC Corp tổ chức đại hội cổ đông bất thường, Bộ Xây dựng chính thức không còn là cổ đông tại Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc DIC Corp chính thức chuyển từ công ty nhà nước sang công ty tư nhân.
Việc DIC Corp phát hành cổ phiếu riêng lẻ khiến tỷ lệ sở hữu của Nhà nước liên tục bị pha loãng; trong khi đó, ở chiều ngược lại, gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại doanh nghiệp này.
Tính đến tháng 7/2022, nhóm cổ đông liên quan đến ông Tuấn (cả CTCP Đầu tư và Phát triển Thiên Tân- pháp nhân có nhiều liên hệ với gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn) nắm đến 40,84%.
Tuy nhiên, sau nhiều giao dịch bị bán giải chấp cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của nhóm này hiện đang là gần 33%.