Cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh tăng trong 2 tháng đầu năm
Trong 2 tháng đầu năm, VCB và BID là 2 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết. Trong khi CTG cũng xanh 0,6% dù thị trường chung diễn biến tiêu cực.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, chỉ số VN-Index đạt 1.024,68 điểm, giảm 7,78% so với tháng 1/2023 và tăng 1,75% so với cuối năm 2022; VNAllshare đạt 966,19 điểm, giảm 10,05% so với tháng 1/2023, và giảm 0,46%% so với cuối năm 2022; VN30 đạt 1,014.96 điểm, giảm 9,79% so với tháng 1/2023 và tăng 0,97% so với cuối năm 2022.
Trong tháng 2, một số ngành giảm điểm khá mạnh trong tháng gồm: ngành bất động sản (VNREAL) giảm 13,43%; ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm 12,38%; ngành công nghiệp (VNIND) giảm 11,45%.
Tuy nhiên, là nhóm trụ cột của thị trường, cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa mạnh trong tháng 2 với 16/27 mã tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng trên 10%. Ngược lại 11 mã giảm giá, với mã giảm mạnh nhất là hơn 22%.
Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh diễn biến khá tích cực, đều tăng giá trong 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng tới 16,9% từ đầu năm đến nay, đóng cửa phiên 28/2 ở mức 93.500 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này lập đỉnh cao nhất mọi thời đại hôm 6/2 với giá 96.000 tỷ đồng, đưa vốn hóa lên hơn 454 nghìn tỷ, lớn hơn cả vốn hóa của BIDV và VietinBank cộng lại.
Ngoài ra, cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV cũng diễn biến ấn tượng, tăng 14,2%, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 2 ở giá 44.100 đồng/cp.
Theo đó, VCB và BID là 2 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết. Trong khi đó, CTG của VietinBank tăng nhẹ 0,6% lên 27.400 đồng/cp.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu của các nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước (SOCB - đặc biệt là VCB) diễn biến tích cực hơn nhiều so với VN-Index và nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân (PJCB).
Điều này là bởi trong điều kiện vĩ mô không thuận lợi cũng như các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn (như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, v.v.), các cổ phiếu nhóm SOCB được ưa chuộng hơn so PJCB, nhờ tỷ trọng tài sản rủi ro không cao và có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan Nhà nước trong quá trình hoạt động.
Mặt khác, theo Mirae Asset, một số cổ phiếu nhóm ngân hàng tư nhân cũng rất tiềm năng như ACB với hoạt động ổn định và ít rủi ro tập trung...
Thực tế, trong quý IV/2022, động lực tăng trưởng lợi nhuận của cả ngành ngân hàng chủ yếu đến từ các NHTM Nhà nước với mức tăng trưởng 57,3% so với năm ngoái và nhóm ngân hàng duy nhất tăng trưởng lợi nhuận so với quý liền kề (+25%).
Trong khi đó, lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân lớn giảm 14,5% dưới áp lực của việc chi phí lãi gia tăng đột biến do việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ không còn dễ dàng như giai đoạn trước.
[Lãi suất huy động nhiều ngân hàng sắp giảm, gửi tiền ngân hàng nào có lợi nhất?]