Nam Định: 1 huyện, 76 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025
Có những huyện như Hải Hậu có đến 13 xã, thị trấn; TP Nam Định có 19 phường, xã thuộc diện phải sắp xếp do không đủ tiêu chuẩn về dân số, diện tích.
Ngày 3/3, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về việc lập danh sách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, sau thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh Nam Định hiện có 9 huyện, 1 thành phố; 226 xã, phường, thị trấn (giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã so với trước khi sắp xếp). Tỉnh có tổng diện tích 1.668,820 km2; dân số thực tế thường trú là 2.252.283 người.
Thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ; căn cứ các quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, cơ quan chức năng của tỉnh đã rà soát, thống kê 1 huyện; 76 xã, phường thị trấn của tỉnh không đảm bảo đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Trong đó, 1 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Nam Định thuộc diện phải sắp xếp là huyện Mỹ Lộc.
Liên quan đến việc sắp xếp huyện Mỹ Lộc, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, hồi trung tần tháng 10/2022, BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định đã thảo luận và thống nhất đồng ý chủ trương điều chỉnh Đề án mở rộng địa giới hành chính TP Nam Định và thành lập 3 phường. Theo đó, phạm vi mở rộng trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định; thành lập 3 phường, gồm: phường Nam Phong, phường Nam Vân (trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích, dân số của xã Nam Phong, xã Nam Vân hiện có thuộc TP Nam Định) và thành lập phường mới trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hưng (huyện Mỹ Lộc) để mở rộng và nối liền không gian đô thị của TP Nam Định.
76 xã, phường, thị trấn của tỉnh Nam Định thuộc diện phải sắp xếp gồm:
4 xã của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Thành, Mỹ Thịnh, Mỹ Hưng, Mỹ Tiến); 4 xã của huyện Vụ bản (Tân Thành, Trung Thành, Minh Tân, Quang Trung); 5 xã của huyện Ý Yên (Yên Thành, Yên Nghĩa, Yên Hưng, Yên Minh, Yên Quang); 4 xã của huyện Nam Trực (Nam Mỹ, Nam Toàn, Nam Hùng, Nam Hoa); 8 xã của huyện Trực Ninh (Trực Chính, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Khang, Trực Mỹ, Trực Thắng, Trực Tuấn, Trực Thuận); 12 xã của huyện Xuân Trường (Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Kiên, Xuân Phong, Xuân Đài, Xuân Thủy, Xuân Tiến, Xuân Thượng, Xuân Thành, Xuân Bắc, Xuân Ngọc, Xuân Hòa); 3 xã, 1 thị trấn của huyện Giao Thủy (Giao Hải, Hoành Sơn, Giao Tân và thị trấn Ngô Đồng); 3 xã của huyện Nghĩa Hưng (Nghĩa Minh, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi); 11 xã, 2 thị trấn của huyện Hải Hậu (Hải Bắc, Hải Chính, Hải Hà, Hải Long, Hải Lý, Hải Phương, Hải Tân, Hải Thanh, Hải Vân, Hải Triều, Hải Xuân và các thị trấn Cồn, Yên Định); 2 xã, 17 phường của TP Nam Định (xã Nam Vân, xã Lộc An; các phường Cửa Bắc, Ngô Quyền, Năng Tĩnh, Trần Đăng Ninh, Vị Hoàng, Thống Nhất, Nguyễn Du, Bà Triệu, Văn Miếu, Hạ Long, Vị Xuyên, Trần Tế Xương, Trường Thi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng).
Trước đó, tỉnh Nam Định đã thực hiện sắp xếp xong hơn 1.800 thôn, xóm, tổ dân phố trong số 3.674 đơn vị thôn, xóm, tổ dân phố của tỉnh.
Kết luận 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 nhấn mạnh: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân. Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn). Không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp) đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị”.
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định:
Huyện miền núi, vùng cao phải có quy mô dân số từ 80.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 850 km2 trở lên; huyện không thuộc miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 120.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 450 km2 trở lên; số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 13 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thị trấn.
Xã miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 5.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 50 km2 trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 30 km2 trở lên.
Phường thuộc quận có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên; phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 7.000 người trở lên; phường thuộc thị xã từ 5.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên.
Thị trấn phải có quy mô dân số từ 8.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 14 km2 trở lên; đã được công nhận là đô thị loại IV hoặc loại V; hoặc khu vực dự kiến thành lập thị trấn đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại IV hoặc loại V.