Bất thường sốt xuất huyết giữa mùa khô

NGUYÊN DU – QUỐC TRUNG 04/03/2023 07:05

Mặc dù đang là thời điểm mùa khô, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng gia tăng, số ca bệnh nặng cũng tăng so với cùng kỳ.

Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Diễn biến phức tạp

Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu ghi nhận nhiều trường hợp mắc SXH, chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Thống kê từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận 57 trường hợp mắc bệnh SXH. Đáng chú ý, trong đó có đến 12 ca nặng.

Bệnh nhi N. Đ. K. (12 tuổi, ở TP Bạc Liêu) được phát hiện sốt từ thứ 3 tuần trước, sau đó điều trị tại Trung tâm y tế thành phố 1 tuần nay nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Bệnh nhi có dấu hiệu chuyển nặng, bị sốc nên được chuyển đến Khoa nhi Bệnh viện tỉnh Bạc Liêu điều trị. Tại đây các bác sĩ đã tích cực truyền dịch chống sốc, hiện nay sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.

Theo BS Nguyễn Thị Yến - Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, người dân cần cảnh giác với bệnh SXH và cần quan tâm đến việc phòng ngừa bệnh. Ðối trẻ nhỏ hoặc người lớn bị sốt 2 ngày liên tục, dùng thuốc giảm sốt không đỡ nên đưa người bệnh tới trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 122 ca mắc SXH. Mặc dù số ca SXH tuần này có giảm hơn so với 2 tuần trước nhưng số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ.

Còn tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn diễn biến tương đối phức tạp, số ca mắc gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 150 ca mắc SXH, tăng trên 128% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung nhiều ở TP Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi… Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn tồn tại và nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao. Hiện các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng để tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, thời gian qua số ca nhập viện khám và điều trị SXH tương đối cao, trong tháng 1 ghi nhận khám nội trú 164 ca, tăng 413% so với cùng kỳ năm 2022, 32 ca. Tháng 2 mặc dù có giảm nhưng số ca mắc SXH vẫn cao, khám điều trị nội trú 173 ca, ngoại trú 135 ca.

Chủ động ngăn chặn dịch bệnh

Xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có 7 ấp, mỗi ấp chia làm nhiều tổ, mỗi tổ phụ trách từ 50-100 hộ dân, thời gian qua các tổ khẩn trương đến từng hộ gia đình kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và thả cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước.

Bà Nguyễn Thúy Ngọc - Bí thư Chi bộ ấp Kết Nghĩa, xã Tân Hải cho biết, hàng năm Chi bộ ấp quán triệt trong toàn thể đảng viên về công tác phòng, chống SXH như: Triển khai mô hình nuôi và phân phát cá bảy màu trong hộ dân. Đồng thời, lồng ghép công tác tuyên truyền vận động người và lực lượng đoàn thể cùng tham gia.

Ông Bùi Xuân Cây - nhân viên y tế ấp Kết Nghĩa cho biết thêm: “Ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phải dựa vào cộng đồng. Chúng tôi đã đến từng hộ gia đình xem họ đã thực hiện được biện pháp gì, sau đó mới hướng dẫn họ làm cụ thể. Nếu gia đình có dụng cụ chứa nước thì thả cá bảy màu vào, hướng dẫn vệ sinh môi trường và tránh muỗi đốt. Nhìn chung những hộ dân trong ấp đã chấp hành và làm theo hướng dẫn của ngành y tế”.

Theo BS Nguyễn Hoàng Tuấn Anh - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, SXH không theo chu kỳ mà lưu hành quanh năm, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Tuy nhiên, những cơn mưa bất chợt xuất hiện gần đây gây ra lo ngại về sự bùng phát dịch SXH. Bởi đó là điều kiện để muỗi sinh lăng quăng, yếu tố chính gây bệnh SXH.

Ông Phạm Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, ngành y tế đang tăng cường các biện pháp tiêu hủy mầm bệnh SXH. Tích cực xử lý những ổ dịch nhỏ để can thiệp sớm những nơi mới bắt đầu xuất hiện ca bệnh SXH, ngăn ngừa bệnh bùng phát trên diện rộng.

Hiện nay, lực lượng y, bác sĩ của Trung tâm y tế Dự phòng các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng phòng ngừa bệnh SXH khu vực đông dân cư trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trong các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, vật dụng chứa nước, khu vực có nước đọng… trong và xung quanh nhà. Lực lượng y tế phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, ao tù, nước đọng, tích cực tiêu diệt lăng quăng, khi ngủ phải mắc màn (kể cả ban ngày)...

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Ông Lê Hoàng Phúc - Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ khuyến cáo: Theo diễn biến thông thường, dịch bệnh SXH thường tăng cao vào mùa mưa do sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh, bắt đầu từ tháng 6-8 và đạt đỉnh vào tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của dịch bệnh và thời tiết không thể loại trừ trường hợp dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp trong những tháng sắp tới. Thống kê của bệnh viện gần đây số ca nhập viện điều trị SXH 2 tháng đầu năm nay là 80 trường hợp, tăng cao hơn 240% so với cùng kỳ năm trước.

NGUYÊN DU – QUỐC TRUNG