Không thể để người bệnh chờ đợi lâu hơn
Ngày 1/3 là ngày hết sức đặc biệt đối với Bệnh viện Việt Đức - bệnh viện ngoại khoa lớn nhất cả nước, khi bắt đầu dừng thực hiện các ca mổ phiên, chỉ mổ cấp cứu những ca nặng. Năm 2022, bệnh viện này đã mổ gần 80.000 ca, trung bình 210 ca/ngày. Việc Bệnh viện Việt Đức phải dừng mổ phiên đã được Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện cho biết từ trước đó khoảng một tuần, do thiếu vật tư y tế, hóa chất.
Sự việc đang diễn ra ở Bệnh viện (BV) Việt Đức khiến không chỉ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà các BV tuyến dưới cũng rất lo lắng vì đây là BV ngoại khoa hàng đầu cả nước, chuyên tiếp nhận những ca mổ khó từ các BV tuyến dưới chuyển lên. Trong khi đó, BV không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người. Lãnh đạo BV Việt Đức cho biết, ngay cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hoá chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng các hoạt động phẫu thuật của BV mới có thể trở lại bình thường.
Vì sao thiếu vật tư y tế, hóa chất phục vụ mổ? Giáo sư Trần Bình Giang cho biết: Một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết, trong khi việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được. Luật cho phép nếu trong trường hợp khẩn cấp có thể mua hóa chất, vật tư y tế để cứu người thì mua theo hình thức chỉ định thầu, còn mổ phiên thì không áp dụng.
Thật đáng lo ngại trong ngày “treo dao mổ” đầu tiên, tại Khoa Phẫu thuật chấn thương BV Việt Đức, có 19 bệnh nhân đã được lên lịch mổ từ trước, nhưng cuối cùng chỉ 6 bệnh nhân được duyệt mổ vì đáp ứng đủ các điều kiện của 1 ca mổ cấp cứu. Với những bệnh nhân hoãn mổ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị trong khoảng thời gian chờ đợi 3-4 tuần tới. Bác sĩ cho biết những bệnh nhân không uống thuốc đúng chỉ định bệnh có thể trở nặng nhanh hơn.
Cũng thật đáng buồn khi trước đây rất ít người biết về khái niệm “mổ phiên” là gì. Thì nay, do BV Việt Đức chỉ nhận những ca mổ cấp cứu nặng, người ta mới biết “mổ phiên” có nghĩa là những người có lịch hẹn ngày mổ, nhưng nay lại phải chờ, nếu không chờ được thì phải tìm tới BV khác.
Đáng nói là dù BV Việt Đức đã dừng mổ phiên nhưng 2 ngày qua hàng trăm người dân vẫn ùn ùn đổ về đây ngồi chờ kết quả trước cửa các khu khám bệnh, chụp X-quang, cộng hưởng từ… để may thì được bác sĩ xếp lịch mổ. Rồi chờ.
Báo cáo của BV Việt Đức gửi lên Bộ Y tế cho biết, do một số vướng mắc về quy định đấu thầu, mua sắm cũng như gia hạn giấy nhập khẩu trang thiết bị, BV không mua được các hóa chất, trong đó có hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, kim gây tê tủy sống... Nhưng “cơn khát” hóa chất, vật tư y tế cũng không riêng gì BV Việt Đức mà là ở nhiều BV. Họ đã kiến nghị nhiều lần từ khá lâu nhưng tới nay vẫn chưa có “cơn mưa giải hạn” nào, cho dù đã có nhiều hội nghị hội thảo, nhiều chỉ đạo chỉ ra tính cấp bách.
Tương tự BV Việt Đức, một BV lớn khác là Chợ Rẫy cũng phải đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động do thiếu vật tư, thiết bị y tế. 10 ngày trước, tiến sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV đã báo cáo Bộ Y tế rằng BV thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện kỹ thuật, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.
Dù nhiều khó khăn, quy định về đấu thầu mua bán thuốc, vật tư y tế chặt chẽ để tránh “thông thầu”, trục lợi nhưng tính mạng của người bệnh phải được đặt lên trên hết trước hết. Tới thời điểm này không thể chần chừ thêm nữa mà cần có những quyết định nhanh chóng, rõ ràng của cơ quan chức năng, trong đó quan trọng nhất là Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Nếu như người bệnh tiếp tục không được điều trị tốt do thiếu thuốc, vật tư y tế, nhất là bệnh nhân cần phải mổ, thì đó không còn là vấn đề của một bộ, ngành nào nữa mà là vấn đề của xã hội với những tác động rất sâu sắc.
Vì thế cần có cơ chế giải quyết ngay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phải được xem là việc cần làm ngay, không thể để người bệnh chờ đợi lâu hơn.