Phải có chiến lược hợp tác, liên kết rõ ràng

Lan Hương (ghi) 04/03/2023 08:30

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, để nông sản không còn phải lâm vào cảnh chờ “giải cứu”, chính người nông dân và Hội Nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp phải hợp tác với doanh nghiệp chế biến. Hai bên cần đưa ra chiến lược hợp tác, liên kết rõ ràng, dựa trên nền tảng thông tin về thị trường để phát triển sản xuất.

Ông Hoàng Trọng Thủy.

Đề cập đến thực trạng rất nhiều người nông dân “trắng tay” vì trồng trọt theo kiểu tự phát, ông Thủy cho rằng trước hết do các bộ ngành quản lý nhà nước và các tỉnh thường không nắm được đầy đủ, kịp thời và sát với thực tế về sản lượng nông sản chủ lực, về sức tiêu dùng nội địa, khả năng xuất khẩu nên dẫn đến định hướng, chỉ đạo sản xuất chưa đúng với thị trường.

Trong khi đó, người dân, các tổ chức kinh tế của nông dân, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, DN xuất khẩu nông sản thiếu thông tin thị trường nên phần lớn nông dân sản xuất theo thói quen, chạy theo giá. Còn DN, thương nhân kinh doanh kiểu “buôn chuyến” khi thị trường biến động hoặc chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến nông sản ế thừa và ùn ứ.

Bên cạnh đó có một thực tế là ở cấp địa phương, cơ sở vẫn đang hướng dẫn người dân sản xuất theo tư duy phong trào, làm vì số lượng mà chưa thực sự quan tâm giá trị mà người dân sẽ đạt được khi chuyển đổi. Hiện nay sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là kinh tế nông hộ nên mạnh mún, thiếu quy trình, chất lượng, thiếu quy chuẩn hàng hóa…Những yếu kém này chưa được tháo gỡ giống như một lối mòn nên đến nay công cuộc “giải cứu” hàng nông sản vẫn chưa có hồi kết.

Trước thực tế trên nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch vùng trồng sẽ là giải pháp căn cơ để giải quyết câu chuyện “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, theo ông Thủy, dù quy hoạch là một giải pháp lớn trong sản xuất, nâng cao chất lượng năng suất, góp phần giảm thiểu rủi ro, ế thừa, mất giá nhưng quy hoạch chưa phải là một giải pháp quyết định giá cả bởi giá cả nông sản là do thị trường, do mức cung - cầu quyết định.

Đối với các nông sản có chất lượng cao, có thị trường truyền thống, ổn định lượng mua lớn như: cà phê, lúa gạo, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản, chuối, thanh long...thì quy hoạch vùng nguyên liệu trọng điểm của quốc gia là giải pháp hàng đầu; các loại sản phẩm khác chưa có được điều kiện như trên (nhất là thị trường) thì quy hoạch khó có tính khả thi.

“Nói như vậy để thấy vấn đề quy hoạch là giải pháp rất quan trọng song để giải quyết căn bản cho câu chuyện “giải cứu” thì chính người nông dân và Hội Nông dân, các HTX nông nghiệp phải hợp tác với DN chế biến nông sản. Hai bên cần đưa ra chiến lược hợp tác, liên kết rõ ràng, dựa trên nền tảng về thị trường và khả năng thực tế của nông dân, HTX và DN. Ngoài hỗ trợ nông dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, HTX đầu tư chế biến, bảo quản nông sản nhằm góp phần làm giảm áp lực cho khâu tiêu thụ trái cây tươi. Đối với những diện tích mới trồng phát sinh không đúng theo chủ trương, ngành nông nghiệp cần tham mưu trình UBND tỉnh không hỗ trợ bất cứ hoạt động gì - từ cấp mã số vùng trồng, đầu tư hạ tầng, cho đến hình thành sản phẩm OCOP” - ông Thủy nói.

Một vấn đề nữa, theo ông Thủy, dù triển khai chương trình OCOP đã góp phần nâng tầm thương hiệu của nhiều mặt hàng nông sản nhưng hiện nay sản phẩm OCOP chủ yếu là khai thác và nâng cấp chất lượng cây con, hàng thủ công mỹ nghệ ở khu vực chủ thể là hộ gia đình trong phạm vi làng, xóm là chủ yếu , thiếu chiến lược phát triển bền vững, gắn kết sản xuất với thị trường…Do vậy, ít có sản phẩm mới, sản phẩm của chủ thể HTX, ở quy mô cấp xã, DN vừa và lớn, có thị trường cụ thể và tập trung vào đối tượng số động người tiêu dùng có chủ đích.

Đây cũng là vấn đề chúng ta cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ bởi thực tế cho thấy, việc triển khai chương trình OCOP cũng là giải pháp để chúng ta tiến tới quy hoạch vùng trồng, mỗi vùng, mỗi địa phương một sản phẩm từ đó hạn chế được tư duy chuyển đổi cây trồng theo phong trào như hiện nay. Không một nông dân nào muốn trồng cây trái ra để chờ được "giải cứu".

“Trong tình thế nông dân chỉ biết sản xuất theo kiểu người sau làm theo người đi trước và trông chờ vào cái lợi ngay trước mắt thì cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước ở địa phương, bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản với sự tham gia của các DN, tập đoàn và nông dân với vai trò kết nối và giám sát của Nhà nước. Từ việc DN nắm bắt nhu cầu của thị trường xuất khẩu sẽ đặt hàng nông dân sản xuất theo "địa chỉ" như vậy hạn chế được tình trạng cung vượt cầu và sẽ không còn tình thế phải "giải cứu" trong tương lai” - ông Thủy nói.

Ngoài hỗ trợ nông dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, HTX đầu tư chế biến, bảo quản nông sản nhằm góp phần giảm áp lực cho khâu tiêu thụ trái cây tươi. Đối với những diện tích mới trồng phát sinh không đúng theo chủ trương, ngành nông nghiệp cần tham mưu trình UBND tỉnh không hỗ trợ bất cứ hoạt động gì - từ cấp mã số vùng trồng, đầu tư hạ tầng, cho đến hình thành sản phẩm OCOP.

Lan Hương (ghi)