Tiếp tục tuyển sinh trực tuyến
Sáng 3/3, tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho hay, mặt bằng chung tỷ lệ thí sinh nhập học vào các trường đại học (ĐH) năm 2022 của cả nước là 48,09%. Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học ĐH.
Trong đó, 10 địa phương có tỷ lệ vào ĐH cao nhất, lần lượt là Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Hải Phòng, Phú Yên, Hà Nội… 10 địa phương có tỷ lệ vào ĐH thấp nhất cả nước (dưới 30%) gồm: Quảng Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Năm 2023, Bộ GDĐT dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh ĐH như năm trước, không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Bộ tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.
Trước đó năm 2022, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực. Còn các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất.
Cũng tại Hội nghị tuyển sinh sáng 3/3, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: Hiện Bộ GDĐT đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH. Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Việc kết nối giữa phần mềm tuyển sinh và cơ sở dữ liệu này đã được thực hiện từ năm 2022, nay sẽ tiếp tục làm. Theo đó, toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Trong tháng 3 này, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết.
Đối với các sở GDĐT, ông Sơn lưu ý: Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12; trong đó có hoàn thiện về mã định danh, căn cước công dân. Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán, không có sai sót, vì cơ sở dữ liệu của ngành sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, như bảo hiểm, y tế… Cũng theo ông Sơn, cần sớm cập nhật điểm kết quả học tập (học bạ) để các cơ sở đào tạo có cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện việc xét tuyển. Với các trường ĐH tổ chức thi riêng, thi năng khiếu có thể làm việc với Bộ GDĐT để có thể cập nhật dữ liệu này, nhất là với những trường tổ chức kỳ thi riêng được nhiều đơn vị sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm, mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung.