Loạt dự án ODA giao thông lớn chậm tiến độ
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, 6 dự án ODA giao thông vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu do vướng mắc mặt bằng và công tác thi công của nhà thầu còn chậm.
Thông tin về tình hình thực hiện 6 dự án giao thông lớn sử dụng vốn ODA, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 3/2023, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ có sản lượng thực hiện đạt 73%, chậm 10% do các nhà thầu thi công chậm.
Theo đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Đường thủy chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu tập trung thi công đáp ứng tiến độ cắt đê trước ngày 1/3/2023, hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2023.
“Đối với dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tính đến nay, 8/11 gói thầu đã được triển khai, sản lượng đạt 6,64%, chậm 1%; 3 gói thầu còn lại (XL3, XL7, XL11) công tác lựa chọn nhà thầu chậm, kéo dài do ADB nhiều lần yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Tại dự án này, kinh phí giải phóng mặt bằng cũng tăng hơn 700 tỷ đồng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.
Dự án ODA chậm tiến độ tiếp theo được kể tên là dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ. Theo báo cáo, sản lượng thực hiện tại dự án mới đạt 30%, chậm 1,5% so với kế hoạch. Nguyên nhân do cầu Bến Mới (phía Ninh Bình), cầu Đa Phúc chưa có mặt bằng thi công (tỉnh Ninh Bình, TP. Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên triển khai chậm).
Cùng là dự án do Ban QLDA 2 phụ trách, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cũng đang có một số gói thầu tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành do nhà thầu thi công chậm (XL01, XL04A, XL04B), tổng sản lượng thực hiện mới đạt 35%.
Tại dự án này, lãnh đạo Bộ GTVT đã họp, kiểm tra hiện trường, phê bình và yêu cầu Ban QLDA 2 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tương tự, đối với dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, sản lượng thi công dự án đến nay mới đạt gần 51%, chậm hơn 2,4% so với kế hoạch.
Trong đó, hạng mục xử lý nền đất yếu (hạng mục quyết định tiến độ của dự án) chưa được giải quyết do các nhà thầu chưa tập trung đủ nguồn lực tài chính, chưa quyết liệt trong việc tổ chức thi công.
“Ngày 15/2/2023, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trường, yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận quyết liệt chỉ đạo nhà thầu gói thầu CW4B, CW4C hoàn thành công tác đắp cát gia tải giai đoạn 1 trước ngày 15/3/2023, thi công đồng loạt các cầu trên tuyến; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định hợp đồng”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.
“Riêng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo báo cáo, tính đến nay, 4/11 gói thầu cơ bản hoàn thành, 1/7 gói thầu còn lại (A7) đang thi công, sản lượng 67,63% chậm khoảng 12,73%. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với JICA, có văn bản yêu cầu VEC với vai trò chủ đầu tư của dự án làm việc cụ thể với nhà thầu thống nhất thời điểm triển khai thi công trở lại, khẩn trương làm việc với JICA và hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu các gói thầu A1, A4, J3, A6 để sớm triển khai thi công, đảm bảo tiến độ”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin thêm.