Họa sĩ Công Quốc Hà: Ngợi ca vẻ đẹp phụ nữ

HOÀNG THU PHỐ 05/03/2023 07:00

Trong số các họa sĩ đương đại, Công Quốc Hà được biết đến là một họa sĩ có khả năng sáng tạo đa dạng trên nhiều chất liệu, từ cắt giấy, đến sơn dầu, sơn mài, thậm chí cả làm tượng. Trong đó, có một chủ đề sáng tác đã làm nên “thương hiệu” của Công Quốc Hà, đó là những chân dung phụ nữ.

Vẻ đẹp của phụ nữ Hà Nội trong tranh Công Quốc Hà (sơn mài, 2001).

Bẵng bặt dễ cả hơn chục năm nay trong những sinh hoạt văn hóa của giới nghệ sĩ Thủ đô không thấy bóng dáng của họa sĩ Công Quốc Hà. Thế nhưng gần nửa năm nay, thi thoảng ở các triển lãm nghệ thuật hay các sự kiện văn hóa lại bắt gặp ông. Hỏi chuyện mới hay, vợ chồng họa sĩ đã theo con gái sang Thụy Điển sinh sống. Sau 12 năm, tháng 10/2022, Công Quốc Hà mới lần đầu trở về Hà Nội. Một mình về lại Thủ đô, nhưng ngay lập tức, ông đã bày những cuộc triển lãm hội họa ở cả Hà Nội và TPHCM.

Ở đó, người xem vẫn nhận ra một Công Quốc Hà với những bức tranh vẽ phố và thiếu nữ Hà Nội. Là họa sĩ tốt nghiệp khoa Sơn mài (Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), Công Quốc Hà thừa nhận thời kỳ đầu ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của danh họa Nguyễn Sáng. Song rất nhanh sau đó, người họa sĩ sinh năm 1955 này đã tìm được cho mình một lối đi riêng. Lối đi ấy dần thành một “con đường” với dấu ấn sáng tạo của Công Quốc Hà.

Đặc biệt, với những sáng tạo riêng khi vẽ về người phụ nữ đã khiến tên tuổi của Công Quốc Hà được người trong giới thừa nhận. Tranh của ông được nhiều nhà sưu tập, người yêu thích mỹ thuật tìm đến để sở hữu. Với một bộ phận công chúng ở nước ngoài, họ thích thú với những khuôn mặt phụ nữ đậm chất Á Đông trong tranh của Công Quốc Hà. Vẻ đẹp đó, thậm chí, ám ảnh họ.

"Thiếu nữ chải tóc" - bức tranh mới nhất của họa sĩ Công Quốc Hà vẽ tại Hà Nội (acrylic trên toan, 2023).

Với đề tài phụ nữ, tôi thích xem những tác phẩm của Công Quốc Hà khi ông vẽ những bé gái ngây thơ, hồn nhiên với đôi mắt trong veo mà mỗi khi nhìn, người ta như gặp lại tuổi thơ của làng quê Việt; như tìm thấy hình ảnh của bạn bè mình, tuổi thơ mình ở đó. Tất nhiên, cũng khó mà không thích một số tác phẩm khi họa sĩ vẽ những thiếu nữ Hà thành, khi chải tóc, lúc soi gương, đi :chơi chợ hoa… Tất cả, ẩn chứa một nét đẹp kiêu sa, với áo dài Việt, và đặc biệt, Công Quốc Hà đã tìm được ngôn ngữ hội họa khi thể hiện mái tóc của phụ nữ. Những mái tóc dài, dày, đen lấp lánh trên những bức tranh sơn mài của Công Quốc Hà sẽ còn ám ảnh người yêu nghệ thuật.

Tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, họa sĩ Công Quốc Hà có những bức vẽ nude rất gợi. Ngay từ tháng 4/1992, ông đã cùng họa sĩ Đỗ Phấn bày triển lãm tranh khỏa thân tại Hà Nội. Đây được xem là phòng tranh khỏa thân đầu tiên tại Việt Nam. Tại triển lãm này, Công Quốc Hà bày khoảng 20 bức. Họa sĩ Trịnh Tú khi đó cho rằng, Công Quốc Hà đã trình bày mối giao hòa phụ nữ với thiên nhiên là một. Cái cấu trúc hoàn mỹ của thân thể được Công Quốc Hà thổi vào đó hơi thở của cỏ cây, biển cả, hương nội. “Tình huyền nhiệm của sơn mài đã giúp Công Quốc Hà trên mỗi bức tranh làm bùng nổ một sự yên tĩnh vĩnh hằng. Hoặc có lẽ đề tài khỏa thân làm phong phú thêm tính biểu cảm của thể loại sơn mài”, họa sĩ Trịnh Tú nhận xét. “Công Quốc Hà vẽ người phụ nữ mặc áo dài hay khỏa thân đều bằng con mắt hồn nhiên. Có lẽ bởi thế nên trong tranh của ông ít vẻ ưu tư nặng nhọc mà chỉ còn là những hòa sắc tưng bừng với khuôn mặt hồn nhiên đến ngơ ngác…”.

Sau này, khi sang Thụy Điển sinh sống, họa sĩ Công Quốc Hà không có nhiều điều kiện để thực hành nghệ thuật với chất liệu sơn mài truyền thống đã làm nên dấu ấn của ông trong hội họa đương đại Việt Nam. Ở nơi xa Tổ quốc, họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội này quyết định “tìm mình” trong những chất liệu khác, chẳng hạn acrylic và sơn dầu. Vẫn là vẽ những em bé hay thiếu nữ Hà thành, nhưng trên chất liệu mới, người ta vẫn thấy dấu vân tay của Công Quốc Hà. Những “Thiếu nữ cầm quạt”, “Thiếu nữ bên khung cửa”, hay “Bé và mèo”… được vẽ bằng chất liệu sơn dầu hay acrylic trên toan mang tới cảm xúc mới cho người yêu mỹ thuật đương thời.

Thiếu nữ cầm quạt (sơn mài, 1997).

Họa sĩ Công Quốc Hà cho rằng, mỗi chất liệu lại có một thế mạnh, một lợi thế riêng và người họa sĩ cũng nên tận dụng nó để thể hiện cảm xúc của mình. Ở sơn mài, nếu họa sĩ có cách nhìn có tính ước lệ cao thì sẽ mang đến vẻ đẹp hiện đại; ở sơn dầu, điểm mạnh của nó là tả thật; còn acrylic thì ghi lại được những cảm xúc sáng tạo một cách nhanh chóng.

Quan sát hành trình nghệ thuật của Công Quốc Hà có thể thấy, có một số motip ông vẽ nhiều bức khác nhau, trong những thời điểm và hoàn cảnh sống khác nhau. Đây là điều nhiều họa sĩ khác khước từ. Nhưng Công Quốc Hà thì lý giải rằng, vẽ lại một motip giúp ông có thể tìm ra tác phẩm ưng ý nhất, bởi có khi, chỉ một sự thay đổi về màu, hoặc một chi tiết nào đó - dù rất nhỏ - sẽ khiến bức tranh “hay hơn hẳn”.

Bây giờ, trở về Hà Nội sau 12 năm, họa sĩ Công Quốc Hà lại miệt mài sáng tác. Ông lại say mê với phố cổ và những đêm trăng, say mê với những chợ hoa sống động sắc màu. Hà Nội sau 12 năm xa đã có nhiều đổi khác, đã khiến họa sĩ quyết định vẽ loạt tranh mới, với những tín hiệu phố mới, những con đường trên cao uốn lượn. Bộ tranh sẽ được giới thiệu trong triển lãm vào trung tuần tháng 4 tới tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Theo họa sĩ, đó là cuộc trở về với nơi chốn ông đã được đào tạo bài bản. Đây cũng là triển lãm đánh dấu nửa thế kỷ Công Quốc Hà với hội họa. Chính bởi thế, triển lãm không chỉ giới thiệu những tác phẩm mới nhất của ông vừa hoàn thành đầu năm 2023 này, mà còn có cả tranh, tượng, ký họa… Những tác phẩm ông còn lưu giữ, hay mượn lại từ các nhà sưu tập trên nhiều chất liệu sẽ được trưng bày. Tất nhiên, những bức tranh về phụ nữ mới nhất cũng sẽ được họa sĩ Công Quốc Hà giới thiệu trong triển lãm…

HOÀNG THU PHỐ