Khắc phục kịp thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện lớn vẫn tiếp diễn. Đây là tình trạng đáng lo ngại khi tính mạng, sức khỏe của nhân dân luôn phải đặt lên trên hết, trước hết. Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng đây là vấn đề cần phải có những giải pháp khắc phục kịp thời.
PV: Những ngày vừa qua, các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Đức (Hà Nội), Chợ Rẫy (TPHCM) đều phản ánh tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến người bệnh. Dù từ năm 2022 đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ song đến nay vẫn “tắc”. Theo ông nguyên nhân để tình trạng này tiếp tục xảy ra là do đâu?
Ông TRẦN VĂN LÂM: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế diễn ra trong thời gian qua ở một số bệnh viện lớn và các cơ sở y tế công lập có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất có khó khăn về mặt luật pháp trong khi Luật Đấu thầu chưa kịp sửa đổi. Nhưng bên cạnh yếu tố luật pháp cũng phải đặt ra vấn đề rằng trước kia chúng ta vẫn mua sắm và đáp ứng được nhu cầu. Còn bây giờ thì lại khó trong mua sắm. Điều đó xảy ra sau khi một số cán bộ ngành y tế sai phạm bị kỷ luật, khởi tố bắt tạm giam. Vì thế một số người sợ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm trong đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, hay những thứ cần thiết cho hoạt động tại đơn vị của mình.
Chúng ta đã có đấu thầu mua sắm tập trung, vậy tại sao ngành y tế không mua sắm đấu thầu tập trung vật tư, trang thiết bị y tế, thưa ông?
- Mua sắm tập trung thì phải đấu thầu theo yêu cầu của Luật Đấu thầu. Trong khi đó, các loại vật tư, máy móc thiết bị và thuốc trong ngành y lại quá nhiều và… quá phức tạp. Cho nên mua sắm có những khó khăn nhất định. Đặc biệt lựa chọn vật tư, máy móc thiết bị phải đảm bảo các yêu cầu về tính năng, kỹ thuật và giá cả hợp lý.
Trong khi đó, số lượng mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế rất nhiều, và tiêu chuẩn cũng không ít. Ví dụ cùng một sản phẩm nhưng có nhiều hãng sản xuất và khó có thể đánh giá là cái nào tốt, chỉ có những người sử dụng là các bác sĩ trực tiếp điều trị mới đánh giá chính xác.
Thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế rất phức tạp, có quá nhiều chủng loại nên chúng ta chỉ tập trung mua sắm một vài mặt hàng lớn, phổ biến nhất định mà các cơ sở y tế cần phải dùng. Còn những loại đặc thù ở một vài bệnh viện lớn dùng thì đấu thầu tập trung lại không hiệu quả. Tôi ví như một vài thiết bị điều trị ung thư thì chỉ Bệnh viện K mới hiểu hết được. Nếu mua sắm tập trung, có khi các vật tư lại không đúng với loại mà bệnh viện đang cần. Vì có nhiều đặc thù trong khi hiện quy định pháp luật của chúng ta vẫn chưa đầy đủ nên trước đây đã bị lợi dụng, sinh ra các sai phạm, còn bây giờ nhiều người sợ vì làm thì có thể bị sai. Cho nên có tâm lý “tốt nhất là không làm”.
Thưa ông, lĩnh vực y tế thì không thể chậm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, trong khi trách nhiệm của ngành chức năng trong chỉ đạo dường như chưa chặt chẽ?
- Đúng vậy. Trách nhiệm của ngành có thể có những cái chưa đạt được yêu cầu, nhưng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành. Ví dụ mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế có một phần của BHXH, Bộ Tài chính chứ không chỉ riêng ngành y tế. Cho nên trong chỉ đạo có lẽ chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Chúng ta cần hoàn thiện cơ chế tự chủ để giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập; cùng với đó đẩy mạnh phát triển y tế tư nhân. Đó là chiến lược lâu dài. Lúc đó y tế tư nhân sẽ gánh đỡ một phần đối với các khoản khám chữa bệnh theo yêu cầu, kể cả khám BHYT. Còn y tế công lập chỉ gánh cho các đối tượng chính sách xã hội. Những cái y tế tư nhân không làm được, hay y tế tư nhân làm không hiệu quả thì y tế công lập phải gánh vác. Muốn vậy, phải trao quyền tự chủ để tự làm, và khuyến khích họ thực hiện tự chủ.
Nhìn tổng thể có thể thấy rằng chính sách, quy định thì chưa đầy đủ; trách nhiệm chưa rõ ràng mạch lạc; sự phối hợp giữa các cơ quan, các bộ ngành chưa đồng bộ; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ những người có thẩm quyền, có trách nhiệm chưa được đề cao; trong khi yêu cầu của hoạt động mua sắm lại quá phức tạp. Cho nên phải cộng đồng trách nhiệm mới tháo gỡ được vì liên quan đến nhiều cơ quan.
Ngày 3/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Theo ông Nghị định 07 có tháo gỡ được những bất cập hiện nay?
- Tôi cho rằng, việc ban hành Nghị định 07 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 98 sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế hiện nay. Bởi trang thiết bị y tế khá đặc thù, ví như một chiếc máy chỉ sử dụng được hóa chất A, trong khi hóa chất đó không tìm được người bán thứ 2, vậy lấy đâu ra báo giá thứ 2, hay thứ 3? Vì nó là độc quyền. Nếu yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng thực tế chỉ có 1 nhà cung cấp duy nhất vậy thì lấy đâu ra 3 báo giá. Vì thế nhiều đơn vị không dám làm vì sợ sai. Cho nên việc ban hành Nghị định 07 ở thời điểm này sẽ tháo gỡ một phần vướng mắc bất cập trong các quy định về mua sắm trong lĩnh vực y tế hiện nay. Khi gỡ được vấn đề này thì sẽ giúp cho mua sắm nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Ngay trong đấu thầu thuốc chẳng hạn, có quy định đấu thầu năm sau giá phải rẻ hơn năm trước. Đây là cái có lẽ cũng cần phải nhanh chóng sửa đổi, thưa ông?
- Đó chính là bất cập. Đấu thầu yêu cầu rẻ đi nhưng thực tế giá thị trường thì “có lên, có xuống”. Làm gì có chuyện cứ rẻ mãi, năm sau rẻ hơn năm trước. Đó là vô lý. Tất cả phải theo nguyên tắc thị trường.
Nên chăng chúng ta cần sớm giao quyền tự chủ trong mua sắm cho các bệnh viện, cơ sở y tế công lập nhiều hơn, bởi có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thực tế?
- Đúng vậy. Tự chủ có mấy mức đó là: tự chủ về kinh phí; tự chủ về đầu tư; tự chủ về tổ chức bộ máy. Tùy năng lực khả năng đến đâu thì giao quyền tự chủ đến đó. Hướng tới phải giao tự chủ hoàn toàn cho các bệnh viện. Thậm chí nếu mua sắm bằng ngân sách nhà nước mới phải đấu thầu, đấu giá. Còn nguồn xã hội hóa, nguồn ngoài ngân sách thì được quyền chỉ định thầu, không cần đấu thầu, đấu giá nữa. Tới đây Luật Đấu thầu sẽ giải quyết theo hướng đó. Tức là mở cho các hoạt động mua sắm được đơn giản, thuận tiện. Chứ không phải cái gì cũng đấu thầu, đấu giá, trong khi các thủ tục này rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian khiến chậm trễ trong việc mua sắm. Ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân thì không thể chậm trễ.
Về lâu dài, theo ông trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế thì nên quan tâm đến yếu tố nào?
- Chúng ta cần hoàn thiện cơ chế tự chủ để giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập; cùng với đó cần đẩy mạnh phát triển y tế tư nhân. Đó là chiến lược lâu dài. Lúc đó y tế tư nhân sẽ gánh đỡ một phần đối với các khoản khám chữa bệnh theo yêu cầu, kể cả khám BHYT. Còn y tế công lập chỉ gánh cho các đối tượng chính sách xã hội. Những cái y tế tư nhân không làm được, hay y tế tư nhân làm không hiệu quả thì y tế công lập phải gánh vác. Muốn vậy, phải trao quyền tự chủ để tự làm, và khuyến khích họ thực hiện tự chủ. Cơ chế tự chủ là cái đang vướng nhất hiện nay trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Vừa qua các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, K đã xin trả lại quyền tự chủ là như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!