Chủ đầu tư chung cư đua nhau tăng chiết khấu, người mua cần cân nhắc gì?

Văn Thanh 06/03/2023 09:48

Nhiều dự án tại Hà Nội có mức chiết khấu cao chưa từng có trong lịch sử, từ 30-40%, khiến cả người mua có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư đều ngỡ ngàng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ưu đãi chưa từng có trong lịch sử

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội tung ra những chính sách chiết khấu “khủng”, ưu đãi chưa từng có trên thị trường, nhất là dành cho những khách hàng sẵn tiền mặt, không cần vay vốn ngân hàng và thanh toán sớm.

Cụ thể, một số dự án đang mở bán áp dụng các chính sách chiết khấu mạnh tới 7% nếu thanh toán theo tiến độ thông thường; còn nếu thanh toán sớm 95% thì chiết khấu lên tới 30-40% giá trị hợp đồng. Cùng với đó, còn có chính sách hỗ trợ khách hàng vay ngân hàng đến 70%, lãi suất 0% và ân hạn trong 24 tháng, hỗ trợ phí quản lý trong 2 năm đầu….

Một chung cư trên địa bàn quận Hoàng Mai đang được chào bán với chiết khấu lên tới 38% nếu người mua nhà chấp nhận thanh toán trước 95% giá trị căn hộ. Với mức chiết khấu này, giá căn hộ rơi vào khoảng 25-27 triệu đồng/m2, khó mà tìm được dự án nào có giá rẻ như thế này trong phân khúc chung cư cao cấp.

Hay một chủ đầu tư có dự án tại phía Đông TP Hà Nội đang áp dụng chính sách cam kết lợi nhuận "khủng" đối với nhà ở thấp tầng trong dự án đô thị, tương đương 37,5% trong 5 năm. Trong trường hợp khách hàng muốn thu hồi vốn nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, chủ đầu tư đảm bảo mua lại với mức lợi nhuận trung bình 7,5% một năm theo giá trị hợp đồng…

Ngoài ra, chủ đầu tư còn tung chính sách cam kết thuê lại với mức 6%/năm, hỗ trợ vay với hạn mức cho vay linh hoạt, từ 40% hoặc tới 70% giá trị hợp đồng mua bán cùng lãi suất 0% trong 18 tháng.

Ngoài ra, không ít chủ đầu tư khác cũng đưa ra mức giá giảm tương tự như vậy, giảm ít hay nhiều phụ thuộc vào hướng, tầng của từng căn hộ.

Nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường cho biết, các chính sách chiết khấu nhằm kích cầu tiêu dùng là cách mà chủ đầu tư đã áp dụng trong việc bán bất động sản từ lâu nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường mới xuất hiện mức chiết khấu sâu như vậy.

Thực chất, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó về dòng vốn do không vay được ngân hàng, trái phiếu bị siết, chủ đầu tư đang muốn hút nguồn vốn từ các khách hàng mua bất động sản có tiền mặt. Khi dòng tín dụng ngân hàng không giải ngân vào lĩnh vực bất động sản nhiều, các chủ đầu tư sẽ kẹt vốn nên việc tăng cường khuyến mãi, tăng chiết khấu cho khách hàng cũng là cách cân bằng lại dòng tiền để đảm bảo nguồn tài chính của doanh nghiệp.

Do đó, khi tung chính sách ưu đãi, phía doanh nghiệp lấy phần tiền lẽ ra phải trả lãi cho ngân hàng thì nay khấu trừ, chiết khấu vào giá bán để giảm giá thành bán cho khách hàng. Đây vừa là một chính sách kích cầu thị trường, vừa là một hình thức giảm giá bởi bằng chính sách chiết khấu tốt, tặng quà giá trị sau khi trừ vào giá trị hợp đồng, khách hàng sẽ mua được giá rẻ.

Mặc dù việc chiết khấu cao sẽ gây ra sự thiệt hại lớn về mặt tài chính nhưng họ vẫn buộc phải chấp nhận do dòng tiền không còn. Đồng thời, số tiền mà khách ứng trước cũng giúp doanh nghiệp bớt áp lực về bài toán tài chính do giảm được nợ vay.

Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các chương trình ưu đãi bất động sản hiện nay là một giải pháp để doanh nghiệp tự giải cứu mình khi việc tiếp cận các kênh dẫn vốn đang trở nên vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách chiết khấu sâu cũng đang góp phần kéo bất động sản trở về giá trị thực, thay vì mức giá quá cao trong những năm qua.

Ở chiều hướng ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, mức chiết khấu tới gần 40% giá trị căn hộ là một dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư đang gặp khó khăn về dòng tiền; có thể không còn tiền để thực hiện tiếp việc xây dựng và tiền thu được của khách hàng cũng đã chuyển đi làm việc khác.

Do đó, đối với các dự án có mức chiết khấu cao, người mua nên đặc biệt lưu tâm đến năng lực của chủ đầu tư, tiến độ dự án và cam kết bảo lãnh từ phía ngân hàng.

Văn Thanh