Làn sóng sa thải quét qua lĩnh vực công nghệ
Ngày 5/3, The New York Times dẫn lời các nguồn tin cho biết, Twitter đã cho thôi việc 200 người trong đợt sa thải mới nhất, tương đương 10% trong số 2.000 nhân viên của công ty. Trước đó, đợt sa thải tính từ đầu tháng 10/2022 đến ngày 4/11/2022 đã khiến 5.500 người mất việc.
Tuy nhiên, Twitter không phải là công ty sa thải nhiều nhân viên nhất trong làn sóng cắt giảm nhân sự của các "ông lớn" công nghệ thời gian gần đây. Theo số liệu của trang Layoffs.fyi, từ đầu năm đến nay, 120.323 nhân viên của 425 công ty công nghệ trên khắp thế giới đã bị sa thải. Trong khi đó, con số của năm 2022 là 161.061 nhân viên thuộc 1.046 công ty. Trong đó, 5 công ty cho thôi việc nhiều nhân viên nhất là Google, Meta, Microsoft, Amazon và Ericsson.
Tháng 1/2023, Google đã thông báo cho 12.000 nhân viên thôi việc. Dự kiến, đến cuối tháng 3 thì 10.000 nhân viên ở Microsoft cũng sẽ bị sa thải. Còn Amazon đã bắt đầu đợt cắt giảm nhân sự ảnh hưởng đến 18.000 nhân viên. Trong khi đó, công ty mẹ Meta của Facebook cho biết 13% người lao động của công ty sẽ mất việc, tương đương hơn 11.000 nhân viên.
Những đợt sa thải khổng lồ này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu tiêu dùng giảm và lo ngại về khả năng suy thoái. Trong thông cáo về việc cắt giảm nhân sự, các công ty công nghệ cho biết họ phải “khắc phục tình trạng tuyển dụng ồ ạt” trước đó. Còn theo Forbes, đấy chính là “sự trả giá của các công ty công nghệ khi họ đua nhau tăng lương trong cuộc đua khốc liệt giành những tài năng hàng đầu”.
Còn theo tờ USA Today, cùng với việc cắt giảm nhân sự tại các công ty công nghệ thì tỷ lệ thất nghiệp “tự thân” của ngành này cũng tăng lên. “Những chuyên gia công nghệ vốn được trọng vọng thì nay phải đối đầu với chính công nghệ thông minh do họ tạo ra, khi mà các robot thông minh đang ngày càng được các ông chủ quan tâm hơn” - chuyên gia nhân lực Michel Kaflann nói với Bloomberg.
Trên thực tế, tại Mỹ đã xuất hiện làn sóng thay thế nhân sự bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Một nghiên cứu được tờ Fortunes đăng tải cho thấy, dường như ChatGPT đang len lỏi vào hoạt động kinh doanh quan trọng của các công ty, cũng như dần thay thế con người. Fortunes dẫn số liệu một nền tảng tư vấn việc làm của Mỹ đã khảo sát 1.000 doanh nghiệp, cho thấy 48% số công ty đã ứng dụng chatbot giống như ChatGPT vào công việc. Một số công ty còn tiết kiệm được tới 100.000 USD mỗi tháng nhờ thay thế nhân công con người bằng phần mềm trả lời bằng máy tính.
Mô hình cửa hàng không nhân viên hiện cũng đã được một số thương hiệu đồ ăn nhanh tại Mỹ như Mc Donald hay Taco Bell áp dụng. Còn tại Nhật Bản, ông Hisashi Taniguchi - Chủ tịch Công ty chế tạo robot ZMP chia sẻ: "Robot tự vận hành của chúng tôi có thể tránh vật cản, nhận biết tín hiệu đèn giao thông… Robot có đến 8 ngăn nên giao được nhiều hàng đến nhiều nơi khác nhau".
Bà Sweta Regmi - CEO Công ty tư vấn việc làm Teachndo (Canada) cho biết: "Gần đây, tôi đi siêu thị và để ý thấy là ở đó hầu như không có nhân viên chăm sóc khách hàng. Việc thanh toán đã có máy tự động lo. Có thể thấy, robot đang lấy đi những công việc ở trình độ cơ bản. Đây là một điều đáng lo đe dọa việc làm của những lao động ở trình độ này".
Trong khi đó, một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng đến năm 2025 khoảng 85 triệu việc làm sẽ bị thay thế bởi máy móc.
Trong một diễn biến liên quan tới công nghệ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ra lệnh cho tất cả nhân viên gỡ cài đặt ứng dụng TikTok khỏi thiết bị cơ quan và thiết bị cá nhân của họ do lo ngại về bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng. EC cho các nhân viên thời hạn đến ngày 15/3 để gỡ cài đặt ứng dụng. Động thái của EC đã kéo theo quyết định tương tự của Nghị viện châu Âu (EP), đặt ngày 20/3 là hạn chót để xóa ứng dụng khỏi các thiết bị của cơ quan này. “An ninh mạng phải quan trọng hơn việc có một ứng dụng truyền thông xã hội trên điện thoại của bạn” - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Nghị viện châu Âu Dita Charanzova nói.
Trước đó, Mỹ và Canada đã yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên toàn bộ các thiết bị chính phủ quản lý.
Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới.
Phản ứng lại, đại diện TikTok cho biết, việc ngăn chặn TikTok là cuộc đua công nghệ không công bằng, nhằm mang lại lợi ích cho các nền tảng đối thủ như Facebook, Instagram hay Snap.
Những bước phát triển mới đây của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra rủi ro lớn đối với quyền con người, do đó, cần có cơ chế bảo vệ trước các trường hợp vi phạm - đó là cảnh báo của Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người Volker Turk, trong bối cảnh hơn 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, kêu gọi phải có quy định về AI để đảm bảo công nghệ này "không phương hại an ninh, ổn định và mức độ đáng tin cậy quốc tế".
Đại diện Liên hợp quốc khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ xu hướng hiện nay, hỗ trợ chuyên môn để đảm bảo rằng khía cạnh quyền con người sẽ luôn là yếu tố trung tâm, dù cho công nghệ này có phát triển đến đâu, nhất là khi tạo bước đột phá về công cụ tìm kiếm qua mạng Internet, thay đổi cách con người theo dõi sức khỏe...