Giảm thủ tục để bớt nhũng nhiễu
Trước kia, có một câu nói khá quen thuộc là “Hà Nội không vội được đâu”, chỉ lối làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm, làm phiền người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, “căn bệnh” ấy đang dần được cải thiện khi Hà Nội xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là điểm đột phá.
Có thể lấy dẫn chứng về việc cải cách TTHC của Hà Nội với mô hình “5 TTHC không chờ”, gồm: Thủ tục chứng thực bản sao; Thủ tục chứng thực chữ ký; Thủ tục đăng ký kết hôn; Thủ tục đăng ký khai tử; Thủ tục trích lục bản sao đối với giấy khai sinh, khai tử, kết hôn...
Đến nay, tại Hà Nội, các TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, với việc tiếp nhận và giải quyết được giám sát chặt chẽ đã hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ.
Cùng đó, thông tin từ UBND thành phố Hà Nội mới đây cho biết, sau 1 năm triển khai, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố đã thành lập 5.859 Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở; với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Thành phố đã thay thế 54 thủ tục, bãi bỏ 664 thủ tục; ban hành 18 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC.… Đồng thời ban hành nhiều quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giảm thời gian đi lại, thời gian chờ đợi của người dân...
Đáng chú ý, Hà Nội cũng đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06. Trong đó, Cổng dịch vụ công thành phố đã tích hợp 3 dịch vụ công là Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử. 22 dịch vụ công còn lại được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cảm nhận sự chuyển biến rõ nét này và hoan nghênh cách làm của lãnh đạo thành phố. Một thành phố với 8,4 triệu người (tính đến ngày 19/1/2023), 178.493 doanh nghiệp (tính tháng 11/2022) nếu TTHC vướng mắc thì hậu quả sẽ rất lớn. Muốn trở thành “thành phố đáng sống”, “thành phố thông minh” thì trước hết và căn bản thành phố phải thông suốt về TTHC. Với vai trò Thủ đô của đất nước, thì với Hà Nội điều đó cũng rất quan trọng.
Rà soát để bãi bỏ TTHC lạc hậu, trên cơ sở công nghệ thông tin tích hợp, đó là điều phải làm sớm, làm liên tục. Chính quyền điện tử, một cửa một dấu phải là mục tiêu hướng tới. Nói như ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố thì cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng để thực hiện số hoá, là nền tảng để cải cách hành chính. “Chúng ta phải dùng cơ sở dữ liệu ấy để hiện đại hoá, xây dựng sở thông minh, ngành thông minh, quận huyện, xã phường thông minh” - ông Thanh nói.
Thực tế cho thấy, kiểm soát thủ tục hành chính là việc làm thiết thực để thực hiện cải cách TTHC. Vì rằng, nói thì dễ làm mới khó. Nhiều năm qua, Chính phủ luôn thúc đẩy, đôn đốc việc cải cách hành chính, nhưng không phải địa phương nào cũng sốt sắng, quyết tâm. Nếp cũ in hằn, thay đổi cách nghĩ cách làm với một bộ phận không nhỏ cán bộ là rất khó khăn. Cải cách TTHC giảm phiền hà cho bộ máy thông suốt cũng chính là “tước bỏ” quyền hành của không ít cơ quan, công chức, viên chức. Chính vì thế, cần thiết phải công khai, minh bạch các thông tin về TTHC để cá nhân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và giám sát.
Mặt khác, muốn cải cách TTHC thực sự kết quả thì cần có quy chế đối với việc thực hiện tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh hành vi vi phạm của cán bộ công chức trong quá trình giải quyết TTHC.
Việc đánh giá tác động TTHC trong thực tiễn cuộc sống cũng chính là trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Điều đó sẽ giúp gỡ bỏ rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước.
Sau cùng, muốn có được điều đó thì rất cần một đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và thực sự hành động vì dân.