Tái cấu trúc hoạt động đăng kiểm
Sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể coi là vụ “Việt Á thứ 2” khi quy mô sai phạm có tính hệ thống, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành. Theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ - chuyên gia giao thông, qua đợt này Cục Đăng kiểm cần phải được tổ chức, cấu trúc lại cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
PV:Thưa ông, hiện Công an ở 28 tỉnh, thành phố đã khởi tố 42 vụ án, 379 bị can liên quan đến sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây có thể coi là sai phạm có tính hệ thống, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành. Ông đánh giá như thế nào về bất cập này?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Tôi cho rằng tiêu cực xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam nguồn gốc sâu xa là do buông lỏng quản lý trong một thời gian khá dài. Một số cán bộ chủ quan, tiêu cực, đạo đức kém, chạy theo đồng tiền một cách cực đoan, lợi ích nhóm. Vấn đề quy hoạch và tổ chức yếu kém, xã hội hoá một cách bừa bãi, đưa tư nhân vào quá nhiều gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh... từ đó dẫn đến những tiêu cực.
Theo tôi, đó là do chúng ta thực thi pháp luật chưa nghiêm nên mới để xảy ra những vi phạm, tiêu cực.
Thực tế hiện nay đăng kiểm ở Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố con người là chính. Vậy chúng ta có thể áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật nhiều hơn tại một số khâu và giám sát quá trình đó để có thể kéo giảm tiêu cực, thưa ông?
- Trong hoạt động giao thông không phải cái gì cũng tự động hoá được hết, có khâu cần sự trợ giúp của máy móc, nhưng có khâu chỉ con người mới làm được. Trong vấn đề kiểm định, tôi ví dụ trong đầu máy toa xe lửa người ta dùng búa gõ vào là có thể biết toa xe và gầm toa xe có tốt hay không. Đó là đăng kiểm đối với đầu máy toa xe. Còn trong đăng kiểm đối với ô tô thì kiểm tra các bộ phận như: phanh, điện, tay lái, kết cấu bên trong, bên ngoài, đèn. Như vậy người kiểm định phải biết kỹ thuật, có kinh nghiệm và trực tiếp sờ tay vào, nghe tiếng máy nổ để nhìn nhận và đánh giá thông qua kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật. Còn riêng lượng khí thải thải ra có chứa nhiều chất độc hại hay không thì phải cần máy móc đo.
Ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, thậm chí là nước đang phát triển cùng khu vực với Việt Nam như Thái Lan, họ có 3-4 triệu ô tô trong thành phố nhưng không bị căng thẳng trong đăng kiểm như chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần tham khảo cách tổ chức, cách kiểm tra, cũng như các giải pháp ở các nước để áp dụng cho hoạt động đăng kiểm trong nước có hiệu quả, hợp lý, chính xác. Và quan trọng nhất là không bị quá tải, căng thẳng, từ đó dẫn đến tiêu cực. Cho nên trong đăng kiểm cần cả con người và máy móc thiết bị hiện đại trong kiểm định để việc kiểm định được nhanh chóng, hợp lý và khoa học, tránh tình trạng tiêu cực như đã diễn ra trong thời gian qua.
Sự “căng thẳng” như ông đề cập còn đang diễn ra một nghịch lý đó là tình trạng xe mới mua cũng phải kiểm định?
- Tôi cho rằng ô tô có thiết bị hiện đại thì có thể kéo dài thời gian đăng kiểm và không nên đăng kiểm đối với xe ô tô mới mua. Đây là cái cần điều chỉnh lại. Mỗi năm ô tô mới có khoảng 15-30 vạn xe, nếu chúng ta không đăng kiểm đối với 30 vạn ô tô mới này thì sẽ giảm áp lực, căng thẳng một cách rõ rệt. Bởi vậy, tôi cho rằng, với những quy định như phải đăng kiểm ô tô mới, Bộ Giao thông vận tải có thể ban hành Thông tư và có thể sửa đổi được ngay. Bởi trong thực hiện pháp luật, nếu vấn đề nào không phù hợp với thực tiễn thì cơ quan chức năng cần báo cáo cấp trên để cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi, đó là việc cần thiết.
Hiện nay Cục đăng kiểm Việt Nam đã trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và đẩy nhanh hoàn thiện các quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới để áp dụng từ 1/7.
Từ những sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm, phải chăng đã đến lúc cần tái cấu trúc cơ quan này, thưa ông?
- Bộ máy cần phải thay đổi, quan trọng là cách dùng người, nhất là người tài. Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước phải chọn người giỏi, có đức, có tài vào trong bộ máy thì đất nước mới phát triển. Do đó Bộ Giao thông vận tải cần tái cơ cấu trong hoạt động, điều hành, chọn những người giỏi, và nhất là cần lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà khoa học, người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần chú ý đến cơ chế, chính sách đãi ngộ. Cán bộ đăng kiểm có năng lực tốt, năng suất cao thì ngoài tiền lương có thể trích một phần từ nguồn doanh thu để thưởng cho họ, để họ không phải nghĩ đến những việc làm tiêu cực. Còn khi chế độ đãi ngộ tốt, lương cao mà vẫn xảy ra tiêu cực thì phải xử lý thật nặng.
Trân trọng cảm ơn ông!