Lập sân chơi ảo dụ dỗ nhà đầu tư
Mới đây, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử đối với Đặng Việt Hùng (SN 1988) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội nhận được đơn của các cá nhân tố giác Hùng chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động vốn đầu tư vào quỹ tài chính AsiaCB. Hùng nói đây là ngân hàng mình tự lập ra với đối tác là một công ty của Singapore; cam kết AsiaCB là nơi đầu tư an toàn, lâu bền giúp người dân Việt Nam có thu nhập tốt lên với mức lợi nhuận cao. Hùng cũng xuất trình các tài liệu để giới thiệu về quỹ này như sách giới thiệu về ngân hàng AsiaCB, hướng dẫn tham gia cách nộp tiền, lợi nhuận được hưởng.
Hùng đã thuê người lập website asiancb.org với chi phí 359 triệu đồng.
Về thủ đoạn, Hùng nói mỗi người tham gia là một nhà đầu tư, số tiền đầu tư được đăng ký với Hùng hoặc người đầu tuyến. Khi tham gia, nhà đầu tư phải có thẻ tín dụng (thẻ visa) của ACB (nhà đầu tư ra ngân hàng mở tài khoản) và đăng ký tài khoản thành viên tại website asiacb.org. Khi đăng ký, người chơi bắt buộc phải khai toàn bộ thông tin thẻ tín dụng của mình gồm tên chủ thẻ, số thẻ, mật khẩu của thẻ. Khi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng lãi suất 20%/1 chu kỳ 10 ngày. Tại 1 chu kỳ thì cứ 5 triệu đồng tiền đầu tư, nhà đầu tư phải nộp 300.000 đồng lệ phí (gọi là PINs). Mỗi lần nộp tối thiểu 4 chu kỳ (tức 40 ngày).
Số tiền này, nhà đầu tư nộp cho người đầu tuyến. Người đầu tuyến sẽ chuyển khoản hoặc nộp tiền mặt cho Hùng. Nhà đầu tư nộp số tiền đầu tư vào thẻ tín dụng mở tại ACB...
Cơ quan điều tra xác định, có 38 bị hại đã mở tài khoản tại website của Hùng, nạp tiền vào tài khoản để đầu tư nhưng sau đó bị mất cả gốc và lãi. Trong đó có người bị chiếm đoạt nhiều nhất là 750 triệu đồng. Tổng số tiền Hùng chiếm đoạt của các bị hại là hơn 4 tỷ đồng.
Thời gian qua, có nhiều vụ lừa đảo mà các đối tượng tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng, quỹ đầu tư để chiếm đoạt tài sản qua tài khoản. Theo các ngân hàng, các bước lừa đảo phổ biến đang được kẻ gian thực hiện như sau:
Bước 1: Thu thập thông tin khách hàng. Bằng nhiều cách thức khác nhau kẻ gian thực hiện thu thập thông tin liên quan đến khách hàng, từ thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ email….) tới các thông tin về thẻ tín dụng (số thể, số CVV, hạn sử dụng), thông tin về tài khoản (username, mật khẩu, số dư, lịch sử giao dịch...) Nhiều người bán hàng online đang là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng, do thường xuyên đăng tải và tiết lộ các giao dịch/số tài khoản của mình lên trên Facebook.
Bước 2: Lừa đảo khách hàng. Sau khi đã có một số các thông tin, kẻ gian sẽ giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng, tổng đài của ngân hàng, hoặc cơ quan chức năng, hoặc các tổ chức thực hiện các sự kiện, khuyến mại… để liên hệ với khách hàng qua điện thoại hoặc tin nhắn.
Bước 3: Chiếm đoạt tiền. Khi đã có các thông tin bảo mật từ khách hàng cung cấp, kẻ gian chiếm đoạt tài khoản và lập tức tẩu tán, rút hết tiền mà khách hàng có.
Trong khi đó các ngân hàng cho biết họ không yêu cầu khách hàng cung cấp User/Mật khẩu/OTP qua tin nhắn, cuộc gọi điện thoại, mạng xã hội như Facebook, Zalo…. Do vậy đề nghị khách hàng không cung cấp các thông tin bảo mật E-banking như tên đăng nhập, mật khẩu, mã bảo mật OTP, mã kích hoạt Smart OTP và nội dung các tin nhắn thông báo từ ngân hàng cho bất kì ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng.... Cùng đó, không nhập mật khẩu/mã OTP trên các trang mạng không rõ nguồn gốc, hoặc đường link lạ do người khác gửi đến, đặc biệt các trang web giả mạo các dịch vụ chuyển tiền. Không nên cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, vì sẽ tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo.