Tuyển sinh đại học năm 2023: Kiểm soát chất lượng ngành học mới
Năm 2023 nhiều trường đại học đã mở thêm ngành học mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Nhóm ngành được các trường lựa chọn mở ngành học mới chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ, ngôn ngữ; giảm những ngành nghề truyền thống, đặc biệt là những ngành học gắn với công nghệ số. Nhưng trước thực tế này, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn...
Đón đầu xu thế phát triển
Việc các trường đại học (ĐH) ồ ạt mở ngành học mới đã được dự báo từ trước. Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, các trường ĐH được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.
Theo đề án tuyển sinh 2023 do các trường công bố, có những trường mở thêm 3-4 ngành mới, thậm chí có trường mở thêm tới 7 ngành học mới bên cạnh những ngành đã có.
Đơn cử, Học viện Ngân hàng mở thêm 4 chương trình đào tạo mới là ngân hàng số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị du lịch. ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm 4 ngành mới là ngành cử nhân văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường ĐH Ngoại ngữ; cử nhân thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; 2 ngành kỹ sư của Trường ĐH Việt Nhật là công nghệ thực phẩm và sức khỏe, kỹ thuật công nghệ cơ - điện tử.
ĐH Bách khoa Hà Nội mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Compozit, Kỹ thuật sinh học, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 63. Đơn vị này cũng vừa chính thức ra mắt Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số.
Tại phía Nam, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM sẽ mở thêm 2 ngành mới là Quản lý tài nguyên và môi trường và Công nghệ vật lý điện tử và tin học. ĐH Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TPHCM có thêm ngành mới là Trí tuệ nhân tạo.
Theo các nhà trường, trước khi mở ngành mới đều đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của thị trường lao động, các đơn vị tuyển dụng trong nhiều năm về nguồn nhân lực.
Đồng tình việc mở thêm các ngành nghề đào tạo nhằm gia tăng cơ hội học ĐH cho thí sinh là việc tất yếu, là tín hiệu tốt nếu ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của nhà trường. Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc này không đáng lo ngại. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh tự chủ ĐH và cơ cấu kinh tế có dịch chuyển mạnh mẽ; trong đó, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn. “Điều quan trọng là, phải tăng cường khâu quản lý, kiểm định chất lượng khi các ngành nghề mới được mở ra” - ông Dong nói.
Người học cân nhắc
Nhận định về xu hướng mở ngành mới, ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, việc các trường mở ra ngành nghề mới đều xuất phát từ quá trình nghiên cứu từ trước với mong muốn chuyển đổi một kênh nghề nghiệp cụ thể và hấp dẫn hơn, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, trong đó đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật, kinh tế.
Đối với thị trường lao động, trong thời gian tới, ông Tuấn dự báo nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt rất lớn, trong đó có nhóm ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do ngành học nào hiện nay cũng gắn với công nghệ số nên để tạo được ưu thế riêng trên thị trường lao động, sinh viên cần phải học tập chuyên sâu về an toàn thông tin, bảo mật mạng, các nhóm ngành về lập trình, trí tuệ nhân tạo... để dễ dàng tìm kiếm việc làm tốt nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì việc nở rộ các ngành học mới nếu không được kiểm soát tốt cũng gây ra những hệ lụy về lâu dài. TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cảnh báo, dù các trường điều chỉnh như thế nào cũng cần đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên phát triển chương trình đào tạo… Cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự nắm bắt sớm về mặt vĩ mô, có những hướng dẫn, thậm chí phải ban hành những tiêu chuẩn nếu thấy lĩnh vực này có thể thừa, tránh tình trạng ồ ạt tập trung trường nào cũng mở ngành mới ở cùng một lĩnh vực.
Với quan điểm thị trường lao động sắp tới là thị trường của công nghệ số, nhân lực chất lượng cao, ông Trần Anh Tuấn cho rằng người học cần tỉnh táo lựa chọn ngành nghề phù hợp, học tập để có giá trị nghề nghiệp chứ không phải học vì bằng cấp thì dù học ngành nào cũng không lo thất nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường ĐH cần quan tâm ngành nghề gì thật sự đang có nhu cầu lớn, khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo và tuyển sinh. Thực tế cho thấy, những ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn thì thí sinh lựa chọn nhiều. Bên cạnh đó, các trường ĐH, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Cũng có ý kiến cho rằng, quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; thậm chí nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Vì vậy các trường cần cân nhắc, tính toán kỹ, ngoài ra nếu mở ngành mới trong khi nguồn lực, cơ sở vật chất chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo, thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT và dự báo xu hướng phát triển kinh tế thị trường trong 3 năm tới, nhu cầu công việc cho các nhóm ngành công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, kinh tế kỹ thuật và nhóm ngành xã hội sẽ tăng cao. Đây cũng là những nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều những năm gần đây. Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GDĐT, 4 nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và quản lý.
Ngành học mới phù hợp xu thế mới
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc mở ra các ngành nghề mới hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại. Dẫu vậy, với những ngành đào tạo mới mở không phải là thế mạnh của trường, vẫn có những lo ngại. Hiện Bộ GDĐT cũng có hội đồng thẩm định, nhưng ở một số ngành mới, Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia nên việc thẩm định một chương trình của ngành mới là khá khó khăn.