Khi văn hóa ứng xử của nghệ sĩ ‘lệch chuẩn’

Minh Quân 07/03/2023 07:23

Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội tạo ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với người hâm mộ. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ đã có những biểu hiện “lệch chuẩn” trong ứng xử, lối sống.

Hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội.

Nhiều phát ngôn “lệch chuẩn”

Với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường hay một status, commet, hình ảnh đăng trên trang facebook cá nhân đều có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn, không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng. Tuy nhiên, mặt trái của thế giới 4.0 cũng đặt ra cho họ nhiều áp lực, thách thức nếu phát ngôn không “chuẩn”. Có nhiều người chỉ vì lỡ lời, vạ miệng, đăng lên trang facebook cá nhân những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng “dậy sóng”, tẩy chay nghệ sĩ. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ trẻ, mới nổi được các công ty, đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật săn đón đã có tâm lý ảo tưởng và có những hành vi thiếu văn hóa, phản cảm.

Nhiều nghệ sĩ tiếp tay cho những chiêu bài pr quảng các sản phẩm không rõ nguồn gốc gây mất niềm tin trong dư luận.

Hẳn dư luận vẫn chưa quên sự việc của NSƯT Xuân Bắc với việc phát ngôn thiếu chuẩn trên trang Facebook cá nhân hồi đầu năm. Và ngay lập tức đã bị cộng đồng mạng lên án kịch liệt. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo xem xét vụ việc của nghệ sĩ Xuân Bắc liên quan đến bài viết trên trang facebook cá nhân sau chương trình Táo quân.

Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp hiếm hoi khi mà thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều sự vụ mà các nghệ sĩ đã quá đà khi phát ngôn trên mạng xã hội gây ra những phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.

Nhận định về vấn đề này, NSND Thanh Trầm - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội cho rằng, lời nói, ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy, đồng thời phản ánh phần nào phong cách, lối sống, phẩm giá, đức hạnh của một con người. Nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, nhất là giới trẻ. Vì thế, một lời bình luận có nội dung không chuẩn mực của một nghệ sĩ nổi tiếng trên facebook cá nhân thời gian qua không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà giảm niềm tin của công chúng.

Nhiều nghệ sĩ đã có những hành động theo cảm tính, thói quen, để cho những cảm xúc bồng bột, nhất thời chi phối, thậm chí chạy theo xu hướng đám đông, tạo scandal ảo để gây chú ý, đánh bóng tên tuổi. Những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua liên quan đến câu chuyện nghệ sĩ quyên góp, làm từ thiện, quảng cáo sản phẩm sai mục đích, chức năng, gây hậu quả cho người tiêu dùng; nghệ sĩ sa vào tệ nạn xã hội; nghệ sĩ livestream “bóc phốt” đồng nghiệp, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân, đang làm “ô nhiễm” không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng. Những vụ việc, hiện tượng đó, dưới sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội, làm dấy lên những lo ngại về những góc khuất trong đời tư nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu.

Jack khiến công chúng mất niềm tin vì đời tư bê bối.

Trả lại giá trị cho danh xưng nghệ sĩ

Nhìn nhận về thực trạng này, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Bởi vậy hiện tượng “lệch chuẩn” trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đều rất đáng báo động.

Để trả lại đúng giá trị của “danh xưng nghệ sĩ”, mới đây, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước thì dư luận xã hội cũng đang góp phần không nhỏ giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhận diện một cách đầy đủ hơn về những chuẩn mực đạo đức cần có. Sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng cũng sẽ là những “barie” để các nghệ sĩ cần cẩn trọng, chuẩn chỉ hơn không chỉ trong phát ngôn, ứng xử mà còn khi tham gia các hoạt động nghề nghiệp, xã hội…

Minh Quân