Thị trường địa ốc cần gỡ nhiều nút thắt

THANH GIANG 07/03/2023 07:22

Sau hàng loạt những tác động mạnh từ dịch bệnh, lạm phát toàn cầu, doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng không nhỏ. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần tháo gỡ nhiều về nút thắt pháp lý tạo thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh.

70% khó khăn do vướng pháp lý

Lo ngại về thị trường bất động sản ảm đạm trong thời gian dài, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS). TPHCM còn khoảng 116 dự án BĐS gặp vướng về pháp lý. Trong đó bao gồm những vướng mắc liên quan đến các thủ tục mở bán căn hộ, tính thuế đất, giấy phép xây dựng, xác định lại giá đất…

Đơn cử, dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Bến Nghé (quận 7) đã hoàn thành phần móng, hầm và tầng 1. Dự án đã đủ điều kiện bán, cho thuê đối với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp hồ sơ, DN vẫn chưa nhận được dự chấp thuận với lý do đang rà soát. Đại diện Công ty TNHH Gotec Việt Nam – chủ đầu tư dự án cho biết, đơn vị bị tổn thất nhiều về doanh thu và chi phí. Nếu không được “cởi trói” sớm, DN có nguy cơ thiệt hại nhiều hơn 1.000 tỷ đồng. Hay dự án chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, Quận 1), được UBND TPHCM trao quyết định chấp thuận đầu tư. Tập đoàn Novaland là nhà phát triển dự án với tên gọi thương mại Grand Manhattan. Dự án gặp vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất.

Theo TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, vấn đề pháp lý là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản mất đi tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Việc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý sẽ giúp giảm chi phí tài chính, tạo cơ hội đầu tư cho DN. HoREA cho rằng, do ách tắc pháp lý và một số nguyên nhân khác khiến nguồn cung trên thị trường ngày càng khan hiếm và lệch pha. Trong đó, nguồn cung của căn hộ bình dân rất thấp, chiếm chưa tới 2% tổng nguồn cung căn hộ mới tại TPHCM và Hà Nội.

Cấp bách gỡ vướng

Nhận thấy những khó khăn về pháp lý đang “trói” nhiều dự án BĐS trên địa bàn, cuối tháng 2 và đầu tháng 3 lãnh UBND TPHCM họp với một số DN có dự án đang “án binh bất động”. Tại cuộc họp, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ tập trung rà soát, có giải pháp để đẩy xử lý các kiến nghị của hàng loạt dự án theo đúng thẩm quyền, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

UBND TPHCM cũng vừa có kết luận giải quyết khó khăn cho 4/7 dự án (3 dự án còn lại thuộc thẩm quyền trung ương). Điển hình, dự án khu Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (quận 7), giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu góp ý, khẩn trương tổng hợp báo cáo đề xuất UBND TPHCM xem xét, quyết định. Sở cần phân tích các vướng mắc và tham mưu phương án giải quyết đảm báo đúng quy định pháp luật và chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện hoàn thành trước ngày 10/3. Về chung cư Cô Giang (quận 1), ông Cường giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 1… nghiên cứu, rà soát các văn bản liên quan. Từ đó tổng hợp, phân loại các khó khăn, xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thống nhất phương án xử lý, chuẩn bị nội dung họp chuyên đề, trình UBND TPHCM trước ngày 15/3. Ngoài 2 dự án trên, nhiều dự án khác cũng sẽ được gọi tên để tháo gỡ.

Trước khó khăn của thị trường BĐS, ông Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế đề nghị, trong tháng 3, Sở Xây dựng TPHCM cùng các sở ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ cho các dự án bằng những việc làm cụ thể để tạo niềm tin cho thị trường. Song song đó, UBND TPHCM cần thông báo rõ tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục để các đơn vị chủ động tháo gỡ. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố phải nhanh chóng thực hiện.

“Trong tình hình đầy biến động của thị trường BĐS hiện nay, những việc làm này của thành phố hết sức quan trọng, song cần có động thái cụ thể. Nếu những động thái đó vẫn phải chờ đợi và trên giấy tờ, tôi nghĩ sẽ khó khôi phục niềm tin thị trường, DN” - ông Lịch nhấn mạnh.

Ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành – đơn vị chuyên xây dựng nhà ở xã hội kỳ vọng thành phố nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho dự án nhà ở xã hội để các DN có động lực tham gia phân khúc này. “Biên độ lợi nhuận của nhà ở xã hội không cao. Trường hợp, dự án mà vướng mắc về pháp lý kéo dài sẽ tăng chi phí, lợi nhuận giảm mạnh vì vậy DN không muốn tham gia” - ông Nghĩa nói.

THANH GIANG