Chính sách nào cho phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam?
Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh trong các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, nhờ đó thoát ra khỏi tình trạng “phát triển phụ thuộc chủ yếu vào FDI” và tránh được nguy cơ “phi công nghiệp hóa” khi lợi thế về nhân công giá rẻ bị xói mòn.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng có sức ảnh hưởng rất lớn ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, các chuyên gia dự báo tỷ trọng của các ngành công nghiệp điện tử sẽ đóng góp lớn hơn nữa vào Quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Liên quan đến chính sách cho công nghiệp điện tử Việt Nam đang được quy hoạch phát triển, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) và TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có bài viết phân tích, đề xuất một số chính sách cụ thể nhằm phát triển các doanh nghiệp điện tử trong nước có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Mô hình thành công của các nước Đông Bắc Á?
Trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới, tùy theo tiêu chí phân loại khác nhau, chỉ có khoảng 30-40 quốc gia đã đạt tới đích phát triển. Từ năm 1945 đến nay, chỉ có vài nền kinh tế là có thể vươn từ “Thế giới thứ ba” lên “Thế giới thứ nhất”, đa số tập trung tại vùng Đông Bắc Á. Sự thành công của các nước Đông Bắc Á được quyết định bởi ba nhóm chính sách sau của Nhà nước:
Thứ nhất, thúc đẩy tối đa sản xuất nông nghiệp, hướng vào phát triển kinh tế trang trại (hộ có quy mô lớn) sử dụng nhiều nhân công nhằm phát huy lợi thế của nền kinh tế nông nghiệp và toàn dụng lao động sẵn có, tạo ngay ra thặng dư sản xuất ban đầu để kích cầu hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy công nghiệp phát triển ở giai đoạn sau.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa bằng các chính sách trợ cấp và bảo hộ đối với các doanh nghiệp trong nước dựa trên kỷ luật xuất khẩu, qua đó tạo áp lực để các doanh nghiệp không ngừng đầu tư nâng cao năng lực về công nghệ và quản trị để có thể cạnh tranh, giành thị phần trên thị trường thế giới. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các chính sách nhằm “loai bỏ kẻ thua cuộc” nhằm “thanh lọc thị trường”. Thị trường trong nước được khai thác tối đa để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn đầu khi chúng học hỏi cách thức sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và các rào cản thương mại chỉ được hạ thấp hoặc gỡ bỏ khi các doanh nghiệp trong nước đã đạt được sự trưởng thành nhất định.
Thứ ba, hệ thống tài chính phải định hướng nguồn vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp và sản xuất công nghiệp. Đầu tư công phải thúc đẩy được các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng học tập công nghệ, nhắm đến thu lợi nhuận cao trong tương lai chứ không hỗ trợ cho các hoạt động thu lợi ngắn hạn và thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.
Trên thực tế, con đường phát triển của các nước Đông Bắc Á không phải là phát kiến của những quốc gia này mà là sự kế thừa một cách có chọn lọc, sáng tạo các kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Sự thành công của các nước Đông Bắc Á cung cấp những gợi ý quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng chính sách công nghiệp tiên phong giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu 2030 và 2045 của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Chính sách nào cho công nghiệp điện tử Việt Nam?
Trong lộ trình công nghiệp hóa của mình, các nước Đông Bắc Á đều tập trung vào và thành công trong phát triển những ngành công nghiệp có vai trò nền tảng của nền công nghiệp là công nghiệp điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn. Trong đó, phát triển công nghiệp điện tử phải song hành, đi trước một bước nhằm tạo ra cầu, thúc đẩy ngành vi mạch bán dẫn phát triển.
Thực tiễn phát triển các nước cho thấy không có nước nào công nghiệp hóa thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp điện tử mạnh, và cũng không có nước nào phát triển được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mạnh mà không sở hữu ngành công nghiệp điện tử mạnh.
Chiến lược nào cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam?
Trong một bài viết trước đây, tác giả đã đề xuất Việt Nam trong giai đoạn đến cần đi theo “chiến lược đi từ trên xuống”, tức đi trực tiếp vào công đoạn nghiên cứu và phát triển có giá trị gia tăng cao thay vì bắt đầu bằng khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp và phân tích các điều kiện, nguồn lực quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực mà Việt Nam có thể huy động để có thể thực hiện thành công chiến lược này.
Từ đó, giúp Việt Nam nhanh chóng xây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh trong các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, nhờ đó thoát ra khỏi tình trạng “phát triển phụ thuộc chủ yếu vào FDI” và tránh được nguy cơ “phi công nghiệp hóa” khi lợi thế về nhân công giá rẻ bị xói mòn. “Chiến lược đi từ trên xuống” có trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước và việc thu hút doanh nghiệp FDI đóng vai trò là phương tiện, được thu hút một cách có chọn lọc, có chủ đích để phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Căn cứ trên kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á, mà điển hình là Hàn Quốc, để chuyển tiếp từ nền công nghiệp điện tử vốn chủ yếu phụ thuộc vào FDI sang nền công nghiệp điện tử với hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh có khả năng sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu cần một khoảng thời gian từ 9 đến 12 năm, tương ứng với khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất từ 3 đến 4 dòng sản phẩm điện tử trọng điểm.
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, trọng tâm của các doanh nghiệp Việt Nam là tập trung tiếp thu và nâng cấp trình độ công nghệ và năng lực quản trị và sự bảo hộ và hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn này có vai trò đặc biệt quan trọng.
Các “vấn đề chiến lược” gắn với “chiến lược đi từ trên xuống”?
Để phát triển hệ thống các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới theo “chiến lược đi từ trên xuống”, Việt Nam đối diện với các vấn đề mang tính chiến lược sau:
Một là, các chính sách bảo hộ, đặc biệt là chính sách thuế bị xóa bỏ dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp thách thức là phải cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu thiết bị toàn bộ chỉ bằng hoặc thấp hơn thuế nhập khẩu linh kiện. Thách thức này là rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước vì trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường với sản lượng thấp thì không thể cạnh tranh về giá một cách “sòng phẳng” với các sản phẩm nhập khẩu và các sản phẩm do các doanh nghiệp FDI trong nước cung cấp nếu không có những chính sách bảo hộ phù hợp của nhà nước.
Hai là, các doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn nhỏ, năng lực công nghệ hạn chế.
Ba là, nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử cạnh tranh lớn, không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực có kinh nghiệm nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các sản phẩm điện tử phức tạp, có giá trị gia tăng cao, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.
Bốn là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thử và kiểm định các sản phẩm điện tử trong nước còn thiếu và yếu.
Năm là, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử trong nước yếu dẫn đến năng lực tự chủ của ngành yếu, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài.
Các chính sách để phát triển công nghiệp điện tử phục vụ “chiến lược đi từ trên xuống”?
Căn cứ trên nhận định nêu trên về các vấn đề chiến lược gặp phải khi đi theo “chiến lược từ trên xuống”, để có thể hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp trong nước cần triển khai:
Một là, để có thể cạnh tranh về giá trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, Chính phủ cần thiết kế một hệ thống các chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế, ưu đãi giá mua trong khuôn khổ các dự án mua sắm công đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam (Áp dụng cả cho các sản phẩm được phân phối ra thị trường trong nước dựa trên thỏa thuận chuyển giao giải pháp chìa khóa trao tay (turnkey solution) từ đối tác nước ngoài. Các chính sách này có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép doanh nghiệp thực thi các chiến lược phát triển thị trường một cách khôn ngoan với trọng tâm là thử nghiệm thị trường ở giai đoạn đầu trước khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nội địa hóa các sản phẩm đã được thị trường chấp nhận), hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chiến dịch như “Người Việt dùng sản phẩm Việt”.
Hai là, triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ thông qua các chương trình tài trợ nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ trường, viện cho các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực điện tử.
Ba là, có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại các quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển về làm việc tại các doanh nghiệp, trường, viện trong nước; hỗ trợ các hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài để đẩy nhanh quá trình chuyển giao tri thức, kinh nghiệm vào trong nước.
Bốn là, có chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử nghiệm, kiểm thử và kiểm định trong lĩnh vực điện tử phục vụ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử, kiểm thử và kiểm định các sản phẩm điện tử.
Năm là, có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử giúp đẩy nhanh việc khép kín chuỗi cung ứng trong nước, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng tự chủ và chống chịu của ngành công nghiệp điện tử trong nước.
Để các chính sách trên phát huy hiệu quả, phát huy lợi thế của người đi sau, cần thiết phải xác định các sản phẩm điện tử ưu tiên phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp (từ 4 đến 5 sản phẩm chủ lực) và tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường trong nước ở giai đoạn đầu (từ 3 đến 5 năm tương ứng với vòng đời sản phẩm và vòng đời chuỗi cung ứng trung bình) và sau đó là hướng đến xuất khẩu ở giai đoạn sau. Sau giai đoạn này, các chính sách bảo hộ và hỗ trợ của chính phủ, gắn với sản phẩm cụ thể dựa trên “kỷ luật xuất khẩu” tương tự như các nước Đông Bắc Á đã thực hiện.