Nhớ chợ làng
Tôi làm quen với chợ Chèm từ khi tôi khoảng 4-5 tuổi. Đó là khi tôi biết đòi mẹ mua bánh giò, bánh rán. Còn trong tiềm thức của tôi có lẽ khu chợ đầy ký ức đó đã có từ lâu lắm rồi.
Tôi chả biết những hồi xa xưa đó những quán hàng của chợ như thế nào, còn khi tôi theo mẹ ra chợ thì thấy chợ làng tôi thật khác xa chợ làng Vẽ. Làng Vẽ vốn là làng giàu có, khoa bảng. Thời nào cũng nhiều người đỗ đạt, nhà tây nhiều, đường lát gạch, nhưng chợ thì kém xa chợ Chèm. Cái lều ở chợ Vẽ chỉ đều là bốn cái cọc leo heo đội mái rơm mỏng dính.
Ngày nắng còn đỡ, còn chớm mưa thì chân người, kẻ bán kẻ mua lội bì bõm trong bùn, tay vuốt nước mưa trên mặt không kịp. Còn chợ làng Chèm của tôi là hai dãy nhà gạch vững chãi. Mái ngói phủ đầy lớp lá của những cây bàng cổ thụ. Chỗ nào lá bàng che không kín hở ra màu thâm nâu của ngói qua thời gian và mưa nắng. Dãy nhà nào cũng có hai hàng cột gạch trát vôi vững chãi.
Trên nền gạch là những quán hàng xếp tách bạch, hầu hết là hàng quà và hàng tạp hóa kim chỉ, rổ rá. Viền dọc nách chợ phía tây là các nhà ở kiêm luôn cửa hàng của các ông phó may, phó rèn suốt ngày vang lên lạch xạch tiếng máy khâu, và phì phò bễ lò rèn, đỏ rực lửa.
Trong những quán ấy, tôi biết rõ nhất là hàng lò rèn của ông phó rèn có tên là Chát với bà vợ tên là Ngọt. Chả biết nhà tôi với phó rèn Chát có họ hàng gì không mà mẹ tôi bảo tôi gọi vợ ông Chát là dì Ngọt. Mãi sau này khi lớn lên, tôi lờ mờ vỡ nhẽ. Hóa ra ông ngoại tôi có thời là Bá hộ, ăn cửu phẩm và tiên chỉ làng. Ảnh thờ ông ngoại tôi đội mũ cánh chuồn, sau này mới hạ xuống, rồi không biết thất lạc ở đâu. Vì là con gái ông Bá hộ nên mẹ tôi được người làng một thời trọng vọng. Đàn bà con gái cùng trang lứa trong làng đều tôn mẹ tôi lên vai chị. Khối bà bằng và hơn tuổi còn gọi mẹ tôi là cô xưng con ngon lành.
Trở lại chuyện chợ Chèm. Phía đông chợ là khu nhà của mấy người làm nghề chài lưới. Đa phần từ đâu theo con nước dạt đến, thấy làng tôi đất lành thì lên vẩy nếp nhà đơn sơ ở mỗi khi lên bờ. Lâu dần cũng thành người làng. Phía đầu hai dãy chợ địa liền với bờ sông Cái là một loạt nhà ngói trong đó nổi lên nhà của một bà đỡ đẻ làm luôn việc tiêm và bán thuốc cho người làng nào cần. Bà đỡ có 3 người con. Có chị học hơn tôi một lớp. Lần trường cấp ba Xuân Đỉnh tổ chức cuộc thi viết văn toàn trường, ba giải đầu đều rơi vào trò làng Chèm. Tôi ăn giải nhất, chị con bà đỡ giải nhì, giải ba thì về thằng Tạo cùng lớp 8A với tôi.
Chợ Chèm gắn liền với bờ sông Cái. Có lẽ vì thế nên đầu chợ có một lối khá to nối sông với chợ. Sáng sáng, thuyền đánh cá cả đêm tụ hội về. Mấy bà hàng lại ra mua cá mang lên chợ bán, vợ mấy ông phó may, phó rèn cũng ra mua cá về cho chồng có cái nhắm rượu, nấu canh chua cho cả nhà ăn. Buổi chiều hè, dân xóm chợ và ngoài đê lũ lượt theo lối chợ nối với sông giặt giũ, đãi gạo, rửa rau. Các bà các cô vừa ngoáy rau, vừa vò quần áo, đập chiếu vang cả khúc sông.
Trong các món phó may, phó rèn thích mua để đưa cay, ngoài cá mua ở sông, thịt lợn ở chợ còn có món tiết bò. Món này không phải do người làng tôi làm ra mà do ông kem Nam Hoa cứ khoảng 8, 9 giờ là thủng thẳng đạp xe lên làng tôi. Ông này người Hoa nhưng nói sõi tiếng Việt. Thoạt đầu ông Nam Hoa chỉ bán kem.
Cách đây hơn 60 năm mà kem lên tận làng tôi cách Hà Nội 12 cây số đã làm lũ trẻ và dân làng thích lắm rồi. Sau ông Nam Hoa còn mang thêm món tiết bò luộc. Một bên thùng đầy kem là món quà dụ bọn trẻ con, một bên là sọt tiết bò bọc trong bao tải nóng hổi dành cho đám đàn ông uống rượu, đám đàn bà con gái ăn quà vặt.
Có lần mẹ tôi mua tiết bò. Bẻ miếng tiết xốp nhiều lỗ hút, bỏng rẫy khiến tôi từ đó ngoài kem còn thích luôn tiết bò. Ông kem Nam Hoa đến dốc bến Ngự đã rao to: “Tiết bò, tiết bò đây”. Dừng bán xong lại đạp xe ngược lên. Khi nắng chớm gắt ông đã đến chợ. Ngồi trên bậc chợ vừa bán hàng vừa hưởng cái mát của mái chợ, cái gió từ ngoài sông Cái thổi vào.
Tôi rất thích theo mẹ ra chợ Chèm, nhưng không phải lần nào đòi cũng được mẹ tôi đáp ứng. Bởi mẹ tôi thừa biết, tôi ra chợ chỉ để vòi vĩnh hàng quà. Hồi bé tôi thấy hàng quà nào ở chợ Chèm cũng ngon. Từ bánh giò, bánh trưng của cô Tỷ rỗ, bánh rán, bánh hỏi của bà Lân què, bánh trôi bánh chay, chè lam nhà thím Vận chùa, đến bánh giò cặp chả hay giò của ông Năm Ngọ. Ông Năm Ngọ vốn là dân Bồng Lai Bá Giang chả biết xuống làng tôi từ đời nào. Nhà ông có nghề làm giò chả gia chuyền từ mấy đời nay. Chả cứ các giò, chả, nem chạo của ông hấp dẫn mà ngay nước trần chả nhà ông tôi cũng rất mê. Chỉ cần ba xu thứ nước đó chan cơm thì đã ăn bay ba lưng cơm khỏi cần mẹ tôi dỗ. Giò, chả nhà ông Năm Ngọ ngon đến độ khách xa đến mua hàng nhà ông đều tấm tắc: “Đúng là giò Chèm nem Vẽ có khác”. Ngoài món kem và tiết bò của ông kem Nam Hoa, chợ Chèm của tôi còn một món quà mà tôi rất mê. Đó là phở gánh của ông Cung.
Hồi bé tôi cứ tưởng chợ Chèm làng tôi hai dãy nhà ngói, cột gạch như thế sẽ vĩnh viễn tồn tại cùng đình làng và sông Cái. Tôi có ngờ đâu, đến năm cuối cùng của thập niên 60 của thế kỷ trước làng tôi xảy ra sự kiện làm mất đi khu chợ Chèm đáng yêu đó. Thoạt đầu tiên là việc mở bến phà Chèm. Bến phà che mất dốc thông chợ xuống sông Cái cùng nửa khu chợ.
Thế là mọi nhà từ đám nhà vạn chài đánh cá đến nhà phó may, phó rèn, hễ dính dáng đến khu vực đó đều phải chuyển đi. Không ít nhà đang chần chừ, luyến tiếc. Để xây dựng cột điện vượt sông, tất cả mọi nhà dưới tầm giây điện đều phải chuyển để tránh nguy hiểm. Khu chợ Chèm nằm trọn dưới tầm giây điện cao thế vượt sông. Thế là nhà tôi lập tức từ bỏ căn nhà gianh với vườn chuối hơn hai sào để dọn vào căn nhà trên mảnh đất mới gần 200 mét vuông.
Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ vì phải xa căn nhà, khu vườn yêu thương và nhất là phải xa chợ Chèm. Nơi trưa hè hây hẩy gió sông đưa lên, tôi ngồi trên ghế đẩu nhìn ông Cung gạt khúc xương đòn bò dài thậm thượt để múc muôi nước phở thơm lựng chan vào bát phở đầy bánh cùng những lát thịt bò thái mỏng. Tiếng lửa khẽ reo cùng tiếng lá bàng khô trở mình trên mái chợ.
Ôi chợ Chèm một thời của tôi đã chìm vào dĩ vãng có dễ hơn 60 năm. Đứa trẻ mê quà vặt chợ Chèm giờ đã ngoại thất tuần. Vậy mà mỗi lần nghĩ đến vẫn thấy nhớ đến nôn nao trong dạ.
Tôi rất thích theo mẹ ra chợ Chèm, nhưng không phải lần nào đòi cũng được mẹ tôi đáp ứng. Bởi mẹ tôi thừa biết, tôi ra chợ chỉ để vòi vĩnh hàng quà. Hồi bé tôi thấy hàng quà nào ở chợ Chèm cũng ngon. Từ bánh giò, bánh trưng của cô Tỷ rỗ, bánh rán, bánh hỏi của bà Lân què, bánh trôi bánh chay, chè lam nhà thím Vận chùa, đến bánh giò cặp chả hay giò của ông Năm Ngọ. Ông Năm Ngọ vốn là dân Bồng Lai Bá Giang chả biết xuống làng tôi từ đời nào. Nhà ông có nghề làm giò chả gia chuyền từ mấy đời nay. Chả cứ các giò, chả, nem chạo của ông hấp dẫn mà ngay nước trần chả nhà ông tôi cũng rất mê. Chỉ cần ba xu thứ nước đó chan cơm thì đã ăn bay ba lưng cơm khỏi cần mẹ tôi dỗ. Giò, chả nhà ông Năm Ngọ ngon đến độ khách xa đến mua hàng nhà ông đều tấm tắc: “Đúng là giò Chèm nem Vẽ có khác”.