Đi hội
Khi xưa làng tôi chưa bao giờ mở hội làng. Muốn xem hội đều phải đi sang làng khác. Cũng chẳng đâu xa, hai đầu làng đều có hội. Làng Đầu Đê thì hay tổ chức hội ở một bãi đất trống dưới chân đê, sát cánh đồng. Thế đất vô tình tạo thành một khán đài rộng lớn hình nửa vòng cung cho cả nghìn người xem. Từ mặt đê cho đến dệ đê, giật cấp thấp dần, người đứng người ngồi, nhốn nháo, đúng là đông như hội.
Ở dưới các tay vật cứ thế mà quần thảo nhau trong cái rét thấu xương từ cánh đồng thông thốc thổi tới. Người đứng xem cứ run cầm cập, ríu cả vào nhau cho khỏi lạnh. Còn đô vật bên dưới thì cởi trần trùng trục mà mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Tôi còn bé, chả hiểu thế nào là vật, là thắng là thua. Chỉ biết có hai anh thanh niên cứ thế xoắn lấy nhau mà đám đông bên trên hò reo tung trời. Bọn trẻ con thì chẳng đứa nào ngồi yên. Cứ chạy hết chỗ nọ lại luồn chỗ kia.
Không hiểu sao ngày ấy người lớn chẳng bao giờ có nỗi lo trẻ con bị lạc. Hàng ngày chạy chơi khắp làng, khắp cánh đồng, lê la đến tận hang cùng ngõ hẻm chán rồi, ngày hội đông chúng tôi cũng tự biết tìm về chỗ người thân của mình.
Vì thế cứ đi chán ở đâu một lúc tôi lại về đúng chỗ các chị. Đúng là kĩ năng được rèn luyện hàng ngày dạy cho trẻ con biết cách tự tồn tại. Không như các con tôi bây giờ, dù đi bất cứ đâu mẹ cũng phải để chúng trong tầm mắt.
Khác với các ông, các bà chỉ chăm chắm vào xem các đôi vật bên dưới, tôi thấy mấy chị, nhất là những chị lớn thì hầu như chẳng quan tâm ai thắng, ai thua. Các chị chỉ hướng mắt xuống sới khi có tiếng hò reo cổ vũ kịch liệt. Còn lại toàn cứ tủm tỉm cười, đưa mắt đi khắp nơi. Có chị còn chúi mặt vào lưng bạn mà má cứ đỏ lên lừng lựng.
Có chị lại cứ đấm vào lưng chị khác mà cười ré lên. Thật chả hiểu ra làm sao. Nhưng khoái nhất là các chị rất hay mua kẹo hoặc những viên mứt trứng chim. Bình thường chúng tôi xin khó cơ mà lúc đó chả cần ngỏ lời chị cũng tự động bẻ cho một miếng.
Có khi chị lại còn cột tóc hay ôm chúng tôi rất đỗi dịu dàng, mơ màng.
Á à, thì tại bởi đằng xa có các anh cũng đang nhấm nháy kiếm tìm. Các chị trẻ lắm, tầm 18-20 là cùng, lại trước mặt đông đảo người lớn như thế, làm gì dám công khai hò hẹn hay tỏ tình cùng nhau. Chỉ dám “Yêu nhau đứng ở đằng xa, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”.
Ờ, đấy cũng là do lúc đi hội về, mấy bà mấy bác trong xóm bảo nhau thế, tôi nghe lỏm được, chứ lúc đó con bé 3-4 tuổi là tôi nào đã biết gì.
Chỉ biết rét lắm, mà ngồi trong vòng tay ấm sực của các chị tôi cũng chả yên. Các chị chiều lắm nhé, mua cả bỏng đường cho chúng tôi nhấm rồi. Hết tiền thì mua thứ rẻ hơn, đấy là những mảnh quế chi.
Quế cay lắm, nhưng thơm và ấm. Trẻ con ngứa răng rồi mồm đói ăn cái gì mà chả nhá được. Bỏng thì chúng tôi ăn rõ nhanh, tay dính mật mía lem nhem. Quế, đứa nào tham cắn miếng to nhổ phì phì xong lại tiếc, nhặt lấy từng mảnh nhỏ nhai cho đỡ cay, đỡ rát lưỡi. Cứ thế mà từng thanh quế to như mảnh vỏ bạch đàn bong ra vào mùa thay áo cũng chui tuột vào mồm ráo cả.
Bỏng hết rồi, quế cũng hết rồi, chúng tôi lại chạy lăng xăng khắp nơi. Rốt cuộc, chỉ biết hội vật năm ấy anh giải nhất được cái phích đỏ và đôi quần đùi chứ chả biết diễn biến các keo vật ra sao. Mà tôi đoán chắc rằng các anh, các chị xem hội kia cũng chẳng biết nốt.
Ngày ấy tôi cứ thắc mắc sao giải chẳng có bánh kẹo, có anh đấu cả ngày chỉ được mỗi đôi quần đùi mà người ta hăng hái đấu vật với cổ vũ đến thế?
Ở những năm 88, 89 của thế kỉ trước, cái phích to lắm. Chị tôi tập xe đạp lao vào nhà làm vỡ phích bị mẹ tôi đánh một trận đau chừa đến già. Cũng như tôi, hẳn chị tôi còn chưa ý thức được cái phích quý thế nào. Vì theo phân phối hoặc chắt chiu dành dụm nhờ gửi gắm mãi mới mua được. Vỡ rồi biết bao giờ có lại?
Trẻ con thì có ngại gì rét? Cứa da cứa thịt vẫn cứ chạy nhảy tưng bừng đấy thôi. Chả cần uống nước ấm, chả cần rửa ráy chân tay. Người lớn thì khác. Mùa đông tháng giá thở ra khói, đi ngoài đường không có ngay ngụm nước nóng vào người thì không chịu nổi.
Rồi những lúc đi làm về muộn, sẵn nước đó đổ vào nấu cơm chứ không chờ đến bao giờ mới được ăn để đi làm chiều? Rồi có khách đến nhà, đợi đun được ấm nước thì khách về từ lúc nào rồi.
Bởi vậy với người lớn chiếc phích quý vô cùng. Ở quê càng quý hơn vì làm gì có ai có tem phiếu, tiền đâu mà mua. Chiếc phích nước có khi là cả gia tài. Đôi quần đùi cũng vậy. Bây giờ nghe thì buồn cười và có khi còn có gì đó khiếm nhã. Nhưng thời buổi khó khăn, bất cứ thứ gì khó mua đều thành quý giá. Ở nông thôn mà có được chiếc phích thì như có một gia tài lớn rồi.
Treo giải lớn như vậy để thu hút hàng trăm người đấu vật, kéo theo hàng nghìn người hò reo cổ vũ, kể ra thì cũng đáng. Vừa là đem lại niềm vui xuân cho cả vùng, vừa giúp trai tráng rèn luyện sức khỏe, lại khiến các cô, các chị có cớ mà gặp người thương. Chứ ở nhà suốt ba ngày Tết, chỉ lo nấu nướng với dọn dẹp cho ra dáng gái đảm, nhớ cồn cào thành ra mắng em, lườm mèo bẳn hết cả người lên.
Các anh thắng vật thì hẳn là “ngôi sao” trong lòng các chị, bởi thế, có khi phần thưởng cái phích hay đôi quần đùi kia chẳng quý bằng một nụ cười của người mình để ý rõ lâu mà chẳng dám ngỏ lời.
Không phải năm nào tôi cũng được đi hội cùng với các chị. Có năm chẳng hiểu vì sao làng Đầu Đê không mở hội, chúng tôi rủ nhau kéo xuống hội Đền Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi. Hội to nhất vùng, năm nào cũng mở. Nhưng đi hội thì phải mua vé.
“Trạm” soát vé là cây tre còng queo đặt lên trên hai đầu cọc cắm thẳng xuống đất. Ai trả tiền thì người ta nhấc cây tre đực đó lên cho mà đi. Trạm đặt ở đồng không mông quạnh, chỗ tiếp giáp hai làng. Con đường thì nhỏ tí, hai đầu cây tre chườm cả xuống ruộng.
Tôi còn nhớ lắm, năm đó chắc tôi chỉ tầm 4 tuổi thôi, còn bé tí, mũi thò lò, nhấp nhổm trên lưng anh tôi vì đường ruộng sống trâu thập thõm. Những đứa cùng làng vượt qua rào chắn cả rồi. Anh em tôi làm gì có tiền. Anh cõng tôi đi vòng xuống ruộng bên này, người ta đuổi lại vòng xuống ruộng bên kia. Lằng nhằng mãi, khi người ta mải thu tiền, trả lại tiền những tốp khác thì chúng tôi cũng được đi xem hội.
Từ nhà đến hội chẳng có gì là xa với đứa trẻ đang háo hức. Tôi cứ nhong nhong trên lưng anh mà ngắm những thửa ruộng đất lật lên hun hút trong gió xuân hãy còn lạnh cóng. Hồi ấy còn bé, tôi chẳng biết kiệu rước đi từ đâu, về đâu, chỉ biết dòng người nối đuôi nhau đi dài dằng dặc.
Những con voi trắng uy nghi, những đội lính quần áo sặc sỡ lạ lẫm và nhất là những cô gái mặt hoa da phấn khiến tôi mê mẩn. Trong trí nhớ non nớt của đứa trẻ lên 4 tôi vẫn không thể quên nổi hình ảnh hai Vua Bà ngồi trên kiệu sơn son thiếp vàng, trang điểm môi son đỏ rực và đầu đội mũ miện có những chiếc trâm tua rất đẹp khiến tôi ngắm say mê.
Điều đặc biệt là có những lúc kiệu của Bà Trưng Nhị đi lên trước kiệu của Bà chị Trưng Trắc. Hồi đó, có người già trong làng giải thích là kiệu Trưng Nhị đi trước vì Bà Trưng Nhị chết trước. Sau này tôi mới biết nghi thức “giao kiệu” đó là nét đặc sắc riêng chỉ hội Đền Hai Bà Trưng mới có.
Từ trong sân Đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước nhưng khi ra khỏi cổng Đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu Bà Trưng Nhị đi trước, tức là đổi vị trí đi trên đường của hai chị em với ý nghĩa “nội gia tỷ muội, ngoại quốc dân thần”. Tức là ở trong nhà, ở dinh thự thì chị phải đứng đầu, đi trước, em đi sau; ra ngoài thì thần đi trước để tránh hòn tên mũi đạn, dẹp đường cho vua đi. Lúc trở về thì hành trình ngược lại với lúc đi.
Khắp cả làng Hạ Lôi từ ngày mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng tấp nập người từ cả các vùng khác đổ về. Người đi hội nhiều, hàng quán cũng lắm. Đa phần đều chỉ bán những thứ như: táo ta, bỏng ngô, bánh đa quế, quế vỏ, có khi còn là những thanh quế tươi để bọn trẻ nhấm cho đỡ buồn mồm.
Hết đoàn rồng rắn theo các lễ rước thì các nhóm lại túm tụm lại bên gốc đa, bên vệ đường, không ăn uống thì trải chiếu ngồi tán gẫu. Chỗ này một nhóm, chỗ kia một đám, đúng là vui như hội. Ở đây cũng có hội vật, hội thi nấu cơm, thi những gì khác nữa, tôi chẳng nhớ. Vì bám đuôi anh nên anh tôi đi đâu thì tôi được đi đấy. Mà anh thì rõ chán, chỉ châu vào chỗ đánh cù, đánh khăng, loanh quanh say sưa ở đấy cũng hết cả buổi rồi. Mồng 6 thì anh về thị trấn đi học, tôi hết xem hội.
Suốt những năm sau đó, khi vào thị trấn đi học, khi đi học đại học, khi đi làm, cả khi lấy chồng và sinh con rồi, tôi vẫn cứ ước ao được một lần nào đó được trở lại Hội Đền Hai Bà Trưng. Thế mà ước ao mãi vẫn chỉ là ước ao.
Từ Hà Nội về Hạ Lôi quá gần nhưng cứ hết việc này đến việc khác, tôi chưa bao giờ được quay trở lại hội chứ đừng nói là xem trọn vẹn hết ngần ấy ngày lễ hội.
Hơn nữa, tôi cũng sợ những ồn ào, náo nhiệt và hình ảnh tương phản của người hiện đại với xe máy, ô tô, với điện thoại với những kiệu, những voi, những bộ quần áo từ mấy nghìn năm trước. Và hầu hết những người đàn bà, con gái đi xem hội đều thoa son, đánh phấn, thậm chí đánh dày bự lên để những cô gái mặt hoa đẹp ngời ngợi trong kí ức của tôi bỗng như nhạt nhòa trong đám đông ấy.
Nên mãi mãi trong tôi vẫn là những hình ảnh xưa cũ về những cô gái trong đội khênh kiệu mặt hoa da phấn, về Vua Bà đeo những chiếc trâm vàng tua rủ rèm trước mặt. Và từng tốp người tụ tập trảy hội theo từng nhóm ở gốc đa, ven đường bên những mẹt táo, mẹt quà vặt của 30 năm về trước…