Bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Đã có gần 400 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký “đổ” vào thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Đây là lĩnh vực thu hút được vốn FDI lớn thứ 2 sau công nghiệp và chế tạo.
Nhà đầu tư ngoại đánh giá bất động sản Việt Nam tiềm năng
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ 2 (sau công nghiệp và chế tạo) về gọi vốn FDI trong 2 tháng đầu năm với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thông tin trong ngành BĐS cũng cho biết, đầu tháng 2 năm nay, một nhà đầu tư đến từ Singapore, Keppel Land đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Khang Điền để hợp tác phát triển các dự án khu dân cư cũng như phát triển đô thị bền vững tại TPHCM. Đại diện Keppel Land đánh giá, Việt Nam là một thị trường trọng điểm mà họ nhận thấy có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Trong khi đó, báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, do Công ty tư vấn BĐS CBRE công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, TPHCM và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản...
Với tốc độ đô thị hóa gia tăng, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển BĐS rất lớn. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho biết, họ dành sự quan tâm lớn đến thị trường, đặc biệt là loại hình nhà ở đô thị, khu công nghiệp, logistics và các loại BĐS đã hoạt động hay khách sạn nghỉ dưỡng.
Trong bối cảnh khó khăn của thị trường BĐS, các chuyên gia cho rằng FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp (DN) BĐS trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn. Đặc biệt, dòng vốn ngoại giúp thị trường giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn nội tại của thị trường nội địa. Việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc tín dụng ngân hàng của DN BĐS.
Kèm với đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đóng góp cho thị trường những kinh nghiệm sâu rộng, thúc đẩy cải cách và phát triển ở tất cả lĩnh vực và phân khúc.
Theo ông Troy Griffiths - Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành BĐS từ dòng FDI là hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn. Dữ liệu tổng hợp cũng cho biết năm 2022, thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS luôn giữ được vị trí thứ 2 trong thu hút FDI chung.
Đặc biệt hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục, phát triển kinh tế mạnh của thế giới giai đoạn sau đại dịch, nên càng thu hút sự quan tâm đầu tư nước ngoài. Nhất là sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10/2021, nhiều ngành kinh tế trong đó du lịch, khách sạn được hưởng lợi rất lớn. Chính những yếu tố kể trên đã thúc đẩy DN nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, giữa bối cảnh cơ hội đầu tư tại quốc gia của họ bị hạn chế.
Các chuyên gia đánh giá, BĐS là thị trường có tính chu kỳ. Đối với mỗi chu kỳ, thị trường có xu hướng trở nên phức tạp hơn, tạo ra nhiều cơ hội với nhiều nhà đầu tư. Thế nên trước những khó khăn cũng như cơ hội hiện hữu, thị trường Việt Nam sẽ phải cải thiện về chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Thêm nữa, thị trường Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ coi đây là nơi hấp dẫn để kinh doanh do dân số thuộc độ tuổi lao động lớn, cùng nhiều chính sách hấp dẫn.
Ngoài ra, Việt Nam được xác định là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp đầu tư lâu dài và rủi ro thấp, tỷ lệ lạm phát ở mức an toàn.
Hoàn thiện pháp lý
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa đánh giá, vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực BĐS cho thấy nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành BĐS nói riêng. Nhà đầu tư ưu tiên BĐS do tính ổn định, thu hút được nguồn vốn lớn so với các ngành khác.
Tuy nhiên, chính giới chuyên gia cũng nhìn nhận, thủ tục pháp lý liên quan đến BĐS rất phức tạp, trở thành rào cản trong việc hút vốn ngoại. Chẳng hạn như công tác giải tỏa mặt bằng ở các dự án chậm chạp và trình độ tay nghề của lực lượng lao động trong nước còn thấp. Chưa kể nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS hiện vẫn chưa thống nhất.
Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, các DN nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những DN này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.
Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt lên hàng đầu đối với các thành phố lớn.
Ông Khương cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường BĐS Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, BĐS công nghiệp... và cần phải tạo điều kiện cho các DN để đầu tư vào các sản phẩm này.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu sớm tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý sẽ giúp thị trường thu hút mạnh dòng vốn FDI. Bởi vậy cần sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, các chính sách phải có tính ổn định, lâu dài. Đồng thời, mỗi địa phương cần có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
Ông Thịnh cũng cho rằng, BĐS Việt Nam còn khoảng trống ở một số phân khúc nên việc thu hút FDI vẫn có nhiều cơ hội. Trong đó, phân khúc cơ sở hạ tầng giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và BĐS nói riêng.
Dự kiến trong 2023, với sự quan tâm sát sao của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương..., những vướng mắc về pháp lý liên quan tới BĐS dần được tháo gỡ, sẽ thúc đẩy hơn nữa các dòng vốn, trong đó có vốn FDI tiếp tục chảy vào BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết, HoREA và cộng đồng DN hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế theo thủ tục rút gọn, có hiệu lực ngay kể từ ngày ký ban hành, đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề trái phiếu DN, trong đó có trái phiếu DN BĐS.
Theo HoREA, tổng giá trị trái phiếu DN BĐS đáo hạn trong 2 năm 2023 - 2024 khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 có khoảng 119.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu, DN khó khăn về nguồn vốn, HoREA nhận định Nghị định số 08 sẽ tác động tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm nay.
Theo Hiệp hội, Nghị định số 08 là căn cứ pháp luật để DN phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá 2 năm hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số; tạo điều kiện và cơ hội để DN phục hồi sản xuất kinh doanh.