Rủ nhau đi hái lộc rừng

Tấn Thành-Chí Đại 08/03/2023 10:00

Tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, bông đót đang trổ rộ khắp núi rừng và dọc bờ sông. Người dân rủ nhau vào rừng hái bông đót để bán. Bà con cho rằng đây là lộc trời ban cho.

Người dân xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đi hái “lộc rừng”.

Bông đót nở rộ trên các triền núi, dọc bờ sông. Dọc đường có nhiều người đi hái đót, nhiều người vác đót hái được đem về. Người lớn, trẻ em cùng tham gia, đót hái về được người dân đem ra phơi từ sân vườn, hiên nhà cho đến dọc đường.

Tranh thủ trời nắng, chị Hồ Thị Nhon - trú xã Trà Tập, huyện Nam Trà My đã đem những bó hoa đót thu hoạch trước đó ra phơi. Cẩn thận trải những bó đót ra khoảng sân trước nhà. Chị Nhơn cho hay, thời gian thích hợp đi hái đót là vào đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 dương lịch. Lúc đó hoa đót chưa già nên dễ bán được với giá cao. Trung bình mỗi ngày tôi hái được hơn 10kg đót tươi, hiện tại thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg đót tươi, còn giá đót khô thì bán với giá hơn 15.000 đồng/kg.

Còn chị Hồ Thị Non - trú cùng địa phương cho biết, đót mọc khắp nơi, nhưng giờ đây người ta trồng cây chiếm diện tích núi đồi nhiều, nên muốn hái đót đạt hiệu quả phải đi vào trong rừng sâu. Tuy nghề hái đót rất vất vả nhưng từ đầu mùa đến giờ chị đã hái được hơn 150kg đót khô, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Người dân địa phương cho biết, cây đót mọc thành từng bụi, cứ vào thời điểm này hàng năm, đót lại trổ bông và “ban lộc” cho người dân khắp núi rừng của miền Trung nói chung và Quảng Nam, Quảng Ngãi nói riêng. Bình quân mỗi ngày họ hái được khoảng 10kg đót, có người có ngày hái được 20kg đót tươi để bán cho thương lái và thương lái lại bán cho những người sản xuất chổi đót với giá cao hơn. Đót hái về phải đem phơi nắng ngay mới cho bông chất lượng làm chỗi, nếu không kịp phơi nắng sẽ dễ bị lên mốc, úa vàng, bán giá rất rẻ, nên bà con ít đi bẻ đót khi trời mưa.

Là người thu mua đót, bà Nguyễn Thị Phú - ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết, trung bình mỗi ngày bà thu mua của người dân khoảng 1 tấn đót tươi. Sau đó đem phơi khô rồi bán lại cho các bạn hàng ở dưới xuôi. Hiện tại giá đót tươi khoảng 5.000 đồng/kg, còn đót khô bán được 22.000 đồng/kg.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cây đót mọc nhiều trên các triền núi địa phương. Cùng với cây lau, cây lách, cây đót 4 mùa phủ xanh mang lại sức sống cho rừng núi. Sau mùa mưa, cây đót bắt đầu nhú hoa. Từ nhánh bông, lá và thân cây đót đều giúp ích cho cuộc sống của người dân miền núi.

“Người dân tranh thủ hái những vạt đót trổ bông để kiếm thêm thu nhập, qua đó có nguồn thu nhập để lo cho gia đình. Nếu gia đình làm tốt công việc này có thể thu nhập hơn 10 triệu đồng/mùa đót” - ông Dũng nói.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi gặp ông Đinh Văn Nam, ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây vác bó đót từ trong rừng ra đường Trường Sơn Đông, ông Nam chia sẻ: “Từ đầu mùa đến giờ tôi đi hái đót được rất nhiều, trung bình mỗi ngày tôi hái được từ 10 đến 20kg đót tươi, giá bán hiện nay khoảng 5.000 đồng/kg đót tươi, so với mọi năm trước thì giá đót tăng hơn 1.000 đồng/kg đót tươi”.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga - ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây chia sẻ: “Hết thời gian dạy ở lớp, tôi làm thêm nghề thu mua đót. Hái đót là việc làm không hề dễ, do cây đót mọc ở triền đồi núi dốc, cao, vận chuyển cực nhọc, nên khi thu mua tôi mua đúng giá thị trường, cân đúng cho người dân, không để ai chịu thiệt”.

Nhiều người dân ở xã Sơn Long cũng cho biết, họ đi hái đót từ sáng sớm cho đến chiều tối, trung bình mỗi ngày mỗi người hái từ 50 đến 100 kg đót tươi, có nguồn thu nhập để lo chi phí sinh hoạt gia đình.

Đót hái được bao nhiêu thì thương lái đến tận nhà thu mua đến đó. Ông Đinh Văn Nam - người dân xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trung bình mỗi ngày thương lái mua khoảng 1 tấn đót tươi, sau đó phơi khô và vận chuyển đến các cơ sở sản xuất để làm chổi. Đót không cần trồng, cũng không cần chăm bón vì là cây của núi rừng, là “lộc trời” cho bà con miền núi.

Tấn Thành-Chí Đại