Bông hồng cho ngày 8 tháng 3
60 nữ công nhân vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn vừa được nhận một phần quà nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay. Món quà đầy ý nghĩa do Hội Liên hiệp phụ nữ quận 1, TPHCM trao tặng.
Tham dự chương trình, bà Tô Thị Bích Châu - Bí thư Quận ủy quận 1 bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp thầm lặng của nữ công nhân vệ sinh, bà Châu mong các chị hãy luôn tự hào về công việc của mình, bởi từng ngày giữ sạch đường phố cũng là cách làm đẹp cho đời, cho người. 60 nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhận mỗi chị 1.000.000 đồng tiền mặt và túi quà trị giá 300.000 đồng. Cùng đó, ban tổ chức cũng tặng thêm 10 phần quà có giá trị tương tự cho 5 chị hội viên phụ nữ khuyết tật, mắc bệnh nan y và 5 chị hội viên thuộc Hội Người mù quận 1.
“Ngẩng lên chưa bằng ai, nhưng thấy mình vui là đủ”
Có lẽ nghề cực nhọc nhất trong những nghề cực nhọc chính là nghề công nhân vệ sinh. Mà cái nghề này đa số lại là phụ nữ. Nhiều người trong số họ không biết ngày 8/3 là gì, không biết rằng đó là ngày họ được tôn vinh.
Ở Đội vệ sinh Tân Phú, Chi nhánh Môi trường đô thị Chợ Lớn (TPHCM) ai cũng biết chị Huỳnh Thanh Loan đã hơn 26 năm làm công nhân môi trường. Chồng và con trai lớn của chị cũng làm nghề này, nuôi được con trai thứ hai tốt nghiệp đại học. Với chị Loan, thì nghề nghiệp này là lựa chọn cuối cùng thời con gái sau khi chọn và thử qua rất nhiều công việc. Nghề nghiệp dù khó nhọc nhưng chị nói: “Ngẩng lên chưa bằng ai, nhưng thấy mình vui là đủ”.
Còn chị Phạm Thị Hường, tổ 3, Đội vệ sinh Bình Tân, Chi nhánh Môi trường đô thị Gia Định (TPHCM) cho biết: “Nhà tôi tính đến nay đã ba đời làm công nhân vệ sinh. Hiện tại, cả hai vợ chồng và con gái lớn làm công nhân, riêng con gái nhỏ tốt nghiệp kỹ sư môi trường nên công việc đỡ vất vả hơn”.
Chị Hường kể: “Trước đây, cuộc sống cơ cực dữ lắm. Công việc của người công nhân vệ sinh vất vả hơn bây giờ, xe đẩy rác còn thô sơ, đường sá gập ghềnh, rác ngập đường, có lúc triều cường dâng cao vượt đầu gối… Không biết bao nhiêu lần tôi té ngã trong nước. Nhớ nhất là khi tôi mang thai con gái đầu lòng được hơn bảy tháng, trong lúc quét rác thì chiếc xe bị trật bánh, ngã đè lên người khiến vùng bụng bầm tím. May mắn là mẹ con vẫn bình an”.
Con gái chị, Nguyễn Ngọc Thanh Lý, nói rằng không biết có phải từ trong bụng mẹ đã cảm nhận được công việc hay không mà từ nhỏ em đã nghĩ sẽ theo mẹ đi làm công nhân vệ sinh. Năm học lớp 12, biết mẹ nhận thêm công việc em đã xin đi theo phụ mẹ, đến sáng lại chạy về nhà tắm rửa đi học. Lý nói: “Nghề nào cũng có giá trị tốt đẹp, đồng tiền làm ra đều từ sức lao động của mình. Mỗi ngày nhìn thấy đường phố sạch đẹp, em cảm thấy vui. Cứ nghĩ thế nên đã gắn bó với nghề hơn mười năm nay”.
Nhìn con gái, chị Hường xúc động nói: “Đời chúng tôi cầm chổi rồi, chỉ mong đến đời con được cầm viết, ngồi trong văn phòng cho đỡ cực tấm thân. Lý là đứa con đầu nên chịu nhiều vất vả. Thấy gia đình khó khăn quá nên nó có ý định nghỉ học từ năm lớp 10, nhưng tôi quyết không cho. Vợ chồng ráng tằn tiện cho con học hết lớp 12. Tốt nghiệp xong, con bé xin đi làm để phụ lo cho em nó học đại học. Nhưng cháu nó cũng không bỏ cuộc, đã cố gắng vừa làm vừa học, tốt nghiệp trung cấp kế toán rồi đó”.
Kể sao hết khó nhọc của những người phụ nữ công nhân vệ sinh, những con người đôn hậu, thầm lặng trong dòng chảy cuộc đời..
Việc nhà hay là những người phụ nữ “không lương”
Theo Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, gánh nặng từ công việc chăm sóc không lương (việc nhà) phần nhiều vẫn dồn lên phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, giảm thời gian làm công việc chăm sóc không lương của phụ nữ được xác định là một chỉ tiêu nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.
Theo số liệu điều tra lao động việc làm năm 2020, thời gian dành cho làm công việc chăm sóc không lương giữa nam giới và nữ giới ở Việt Nam hiện mất cân đối lớn. Trung bình phụ nữ mất 20,1 giờ mỗi tuần để làm việc nhà trong khi nam giới chỉ là 10,7 giờ mỗi tuần.
Việc nhà còn được goi là “việc không tên” là gánh nặng triền miên đối với người phụ nữ trong gia đình, nhưng vãn bị đánh giá thấp và ít được chia sẻ. Bà Anne Hathawey - Đại sứ thiện chí UN Women từng nói: Sự tham gia của phụ nữ và sự bình đẳng về quyền lợi là tối quan trọng của sự phát triển toàn xã hội. Tuy nhiên, với tốc độ thực tế hiện nay, cần đến 300 năm nữa để đạt được trạng thái bình đẳng giới.
“Chăm sóc không lương” như nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà cửa, quán xuyến ngôi nhà, chăm sóc trẻ nhỏ, người già và người ốm tại nhà thường là do người phụ nữ đảm nhận. Đó như một “thói quen” trong nhiều gia đình cũng chính từ quan niệm đàn ông là chủ gia đình, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Đó là điều cần hết sức tránh. Xã hội văn minh không chấp nhận điều đó.
Nhân ngày 8/3 năm nay, cùng lời chúc hạnh phúc tới tất cả các bà, các mẹ, các chị, các em gái thì thiết nghĩ cũng rất cần một lời nhắc nhở với những người đàn ông tưởng rằng mình nghiễm nhiên được đặc quyền “chồng chúa, vợ tôi”.
Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc.
Đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, người Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Mùa Xuân năm 40, hai bà đã phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn nước Việt.