Mất điện vì... đốt cỏ, rác
Việc đốt rác, cỏ thiếu kiểm soát tạo thành những đám cháy lớn không chỉ ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện mà còn gây ra nhiều thiệt hại khác. Đó là sự cố tưởng chừng hy hữu nhưng đã xảy ra nhiều lần tại tỉnh Đồng Nai.
Vô tư đốt lửa giữa “thanh thiên bạch nhật”?
Tại một bãi đất trống trên đường Đặng Văn Trơn (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) không ít lần người dân đốt rác từng đống lớn. Người dân cho hay, do đoạn này trống trải, nhiều người vô ý thức hay đổ trộm rác thải, vì không có ai thu dọn nên họ đành gom lại rồi đốt cho nhanh. Tuy nhiên, họ không nghĩ phía trên khu vực này là tuyến điện lưới cao áp chạy ngang qua, nếu không may phát sinh đám cháy lớn thì nguy cơ ảnh hưởng đến lưới điện là điều khó tránh khỏi.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn liên tiếp xảy ra một số đám cháy ảnh hưởng đến an toàn lưới điện mà nguyên nhân chính đều xuất phát từ việc đốt rác, cỏ.
Cụ thể như vụ việc ngày 16/2, tại một bãi đất trống trên đường Bùi Văn Hòa (khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa) xảy ra một đám cháy do người dân đốt cỏ. Từ một đám cháy nhỏ nhưng do gặp trời nắng nóng, vào buổi chiều nên có gió lớn, dẫn đến ngọn lửa nhanh chóng bùng phát, sau đó cháy lan lên đường dây hạ áp thuộc trạm biến áp (TBA) An Bình 4A (560KVA). Hậu quả làm hư hại một số vật tư, hạ tầng của ngành điện, 260 hộ dân cũng bị mất điện.
Khoảng 10 ngày sau đó, trên đường Phạm Văn Khoai (khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) cũng xảy ra một vụ cháy lan lên đường dây hạ áp thuộc TBA Đồng Khởi 6C (560KVA) mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc người dân đốt rác. Vụ cháy đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành điện, 217 khách hàng cũng bị ảnh hưởng do sự cố mất điện.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, đơn vị quản lý lưới điện 110kV nhận được tin báo của Công ty Hyosung (KCN Nhơn Trạch) về việc có đám cháy lớn gần sát đường dây 4 mạch Long Thành - Hyosung, Long Thành - Hyosung 2, Bàu Sen - Hyosung, Nhơn Trạch 5 - Nhơn Trạch 6. Lực lượng chức năng đã kịp thời khống chế được đám cháy.
Bà Nguyễn Thị Lan - nhà gần khu vực cháy cho biết, cạnh nhà có vài bãi đất trống, phía trên là đường dây điện cao thế, nhiều lần phát hiện người dân đốt rác bà đã báo cán bộ địa phương để dập tắt kịp thời.
Với một số người dân thường xuyên có hành vi đốt rác, cỏ, họ thường có tâm lý muốn làm “sạch” mặt bằng một cách nhanh chóng mà không phải mất công thu gom. Tuy nhiên, có quá ít người nhận thức được việc vô tư đốt rác, cỏ thiếu kiểm soát sẽ gây ra hậu quả lớn cho nhiều lĩnh vực, và ngành điện là một trong số đó.
Cần sự chung tay bảo vệ an toàn lưới điện
Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ đang trong những ngày cao điểm mùa khô. Việc đốt rác, cỏ gây ra đám cháy như những vụ việc nói ở trên vừa làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương, vừa ảnh hưởng đến an toàn lưới điện. Việc mất điện không chỉ làm đảo lộn sinh hoạt mà còn làm cho những người kinh doanh, sản xuất thấp thỏm âu lo.
Theo thống kê, đường dây nóng nhận tin báo về cháy, nổ, tình huống cần cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai (đầu số 114), chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận hàng chục tin báo liên quan đến các đám cháy do người dân đốt rác, cỏ.
Ngành Điện lực Đồng Nai khẳng định, khi xảy ra cháy, để xử lý sự cố thì bắt buộc phải cắt điện, cô lập đường dây. Việc này chắc chắn sẽ dẫn tới ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, nghiêm trọng nhất là hoạt động sản xuất của các công ty. Một số đám cháy quy mô lớn còn gây thiệt hại nặng cho hạ tầng ngành điện.
Ông Trần Thanh Sang - Trưởng phòng An toàn Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, để ngăn ngừa các hoạt động của người dân làm ảnh hưởng đến lưới điện, nhất là việc đốt rác, cỏ làm cháy lan, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ có thể làm ảnh hưởng an toàn vận hành lưới điện. “Để đảm bảo an toàn lưới điện cao áp, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân và việc cung cấp điện được an toàn, liên tục, đề nghị người dân không đốt nương rẫy, đốt rác, cỏ một cách tự phát bởi nguy cơ cháy sẽ ảnh hưởng tới lưới điện là rất cao” - ông Sang khuyến cáo.
Cũng theo ông Sang, để không còn việc đốt cỏ, đốt rác thì việc đầu tiên là người dân cần nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đơn vị cũng cần sự phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền địa phương.
“Ngoài đơn vị quản lý vận hành lưới điện, hơn ai hết, địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, cũng cần nói rõ về các chế tài xử phạt liên quan việc đốt rác, cỏ gây cháy lớn, cháy lan để người dân nắm và ý thức hơn” - ông Sang nói.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng. Ngoài ra, tại Điều 48, Nghị định 167 cũng nêu rõ, phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng. Còn thiệt hại từ 2 triệu đồng đến hơn 50 triệu đồng sẽ có các mức phạt khác nhau từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng (tùy hành vi). Chưa kể còn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự nếu thiệt hại tài sản cá nhân, tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng...