Khẩn trương rà soát cơ sở mầm non ngoài công lập
Vụ việc bé trai 17 tháng tuổi tại Hà Nội bị 2 bảo mẫu đánh dẫn đến tử vong cho thấy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để loại bỏ những cơ sở trông trẻ tự phát, người giữ trẻ không có chuyên môn, bằng cấp.
Những sự việc đau lòng
Những ngày qua, dư luận cả nước rúng động trước thông tin bé trai 17 tháng tuổi tử vong sau 6 ngày đi học. Bé liên tục bị 2 người trông giữ trẻ “đánh, tát vào đầu, mông để răn đe, đạp vào bụng” do quấy khóc, thậm chí bị ném xuống nền nhà trải thảm xốp vì khóc, không chơi cùng các bạn trong lớp. Khi gia đình đến đón, những người này đã thông báo bé tự ngã trong giờ học. 3 ngày tiếp theo, bé trai vẫn đến lớp và vẫn bị bạo hành. Sự việc chỉ kết thúc khi trẻ bất tỉnh sau cú đạp của một bảo mẫu.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc trẻ bị bạo hành dã man tại các cơ sở trông giữ trẻ. Đầu năm 2023, một người trông trẻ trái phép ở quận Tân Phú (TPHCM) cũng đánh trẻ bị dập não gây rúng động.
Một vụ việc đau lòng khác xảy ra năm 2022, cháu bé được mẹ gửi lại Hà Nội để đi làm công nhân tại Bắc Giang. Trong quá trình trông trẻ, do cháu bị sốt và quấy khóc nên người trông trẻ tên Linh và chồng là Vũ đã hành hạ bé. Trẻ sau đó phải nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao…
Những vụ việc bạo hành trẻ này xảy ra có đặc điểm chung là đa số các bảo mẫu không có chứng chỉ sư phạm mầm non hay các bằng cấp liên quan đến công việc mà họ đang làm. Chỉ một trong hai bảo mẫu vụ việc bé trai 17 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong đã tốt nghiệp trường sư phạm mầm non. Đây chỉ là một trong những cơ sở chăm sóc trẻ “chui” bị phát hiện. Còn vô vàn những cơ sở khác vẫn đang ngang nhiên hoạt động. Đến khi sự việc bị phát hiện, trẻ đã phải chịu tổn thương cả về mặt thể xác và tinh thần, thậm chí bị tử vong mới là bài học cảnh tỉnh người lớn.
Giám sát chặt cơ sở giáo dục mầm non công lập
Để những vụ việc đau lòng như trên không xảy ra, theo các chuyên gia giáo dục, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 49/2021 về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, trong đó ghi rõ những quy định trong tổ chức, quản lý, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục, với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ, nhóm trẻ độc lập quy mô trên 7 trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập. Tuy nhiên, qua vụ việc ở Thường Tín (Hà Nội) cho thấy, việc xử phạt những cơ sở trông giữ trẻ chui chưa dứt điểm, mạnh tay. Ngay cả những cơ sở được cấp phép hoạt động cũng nơi này, nơi kia xảy ra những sự việc bạo hành trẻ.
Về lâu dài, theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư. Cần có đủ trường mầm non công lập trên các địa bàn dân cư, nhất là các khu đô thị mới để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân là gửi con em ở các trường học nếu có nhu cầu.
“Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm may mắn để con được học mầm mon công lập như báo chí phản ánh gần đây, đã cho thấy một phần bức tranh quá tải hệ thống mầm mon hiện nay ở các thành phố lớn. Xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là cần thiết và cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Đi cùng với đó là việc thanh kiểm tra thường xuyên liên tục, đảm bảo các điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình… để mỗi ngày đến lớp của trẻ là một ngày vui. Cần đặc biệt mạnh tay xử lý các cơ sở hoạt động không phép để người dân yên tâm gửi gắm con” - ông Nhĩ bày tỏ.
Về phía các phụ huynh, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trước khi quyết định gửi con ở đâu, các bậc làm cha mẹ hãy tỉnh táo lựa chọn các nhóm trẻ độc lập/cơ sở giáo dục mầm non có đầy đủ tính pháp lý, đảm bảo an toàn cho trẻ.