Phòng tránh ung thư gan
Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với với trên 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Theo số liệu thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư gan ở Việt Nam đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong.
BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K cho biết: “Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố do nấm mốc... Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá...”.
BS Nguyễn Duy Thịnh - phụ trách Đơn vị can thiệp, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh Nhàn nhận định: “Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư gan là vì nước ta nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan B, viêm gan C cao, xơ gan do nhiễm virus viêm gan B, C cao. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, nhiều nam giới lạm dụng rượu dẫn tới xơ gan do rượu. Đáng nói, ung thư gan ở giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Do vậy, các bệnh nhân được phát hiện ra ung thư gan ở giai đoạn sớm thường là tình cờ siêu âm hoặc xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu thấy tăng cao bất thường. Trong khi căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa thì rất nhiều các trường hợp bệnh nhân mắc virus viêm gan B, C, xơ gan nhưng không theo dõi, điều trị thường xuyên, đến khi phát triển thành ung thư gan thì đã muộn.”
Bệnh viện Thanh Nhàn vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngoài 40 tuổi nhập viện do đau bụng dữ dội. Bệnh nhân được chẩn đoán vỡ khối u gan trên nền viêm gan virus. Người này đã được can thiệp nút mạch cấp cứu ngay sau đó. Kết quả xét nghiệm và chụp cắt lớp vi tính khẳng định bệnh nhân mắc ung thư gan. Trước đó, người bệnh không có triệu chứng và cũng không đi khám sức khỏe định kỳ. Khi biết mắc ung thư gan, khối u đã vỡ đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch.
Một trường hợp khác, bệnh nhân 34 tuổi đến Bệnh viện K thăm khám do chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải... Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn muộn, khối u to 6-8 cm và nhiều khối u nhỏ xung quanh, tiên lượng nặng. Nhận kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bàng hoàng, bởi bố của bệnh nhân cũng vừa mất vì ung thư. Khó chấp nhận kết quả này, bệnh nhân yêu cầu xét nghiệm lại vì sợ nhầm lẫn.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai nêu thực trạng: “Ung thư gan hiện là bệnh lý đứng số một về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong trong tất cả loại ung thư ở nước ta. Ngoài ra, dấu hiệu của ung thư rất nhạt nhòa. Hầu hết bệnh nhân đến viện khám được chẩn đoán ung thư gan thì đã ở giai đoạn tiến triển, hoặc muộn. Chỉ khoảng 10-20% trường hợp đến khám ở giai đoạn còn có thể can thiệp phẫu thuật được, chủ yếu do tình cờ đi khám vì những bệnh lý khác, sinh thiết mới phát hiện ung thư”.
Theo TS Phương, ở giai đoạn sớm của ung thư gan có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển với các biểu hiện chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, trướng bụng, vàng da… Ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh với các biểu hiện: Sụt cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, có cảm giác ngứa, trướng bụng, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, vàng da...
Chuyên gia y tế khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…. Ngoài ra tiêm đầy đủ vaccine phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.