Robot Curiosity của NASA chụp ảnh những tia sáng Mặt Trời trên sao Hỏa
Những tia nắng này còn được gọi là tia hoàng hôn (crepuscular), bắt nguồn từ từ "chạng vạng" trong tiếng Latin. Đây là lần đầu tiên các tia nắng Mặt Trời được quan sát rõ như vậy trên sao Hỏa.
Theo Vnexpress, Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA đăng ảnh chụp toàn cảnh hoàng hôn sao Hỏa của robot tự hành Curiosity, ghép từ 28 ảnh nhỏ.
Bức ảnh cho thấy những tia sáng chiếu lên một dải mây khi Mặt Trời xuống dưới đường chân trời hôm 2/2. Những tia nắng này còn được gọi là tia hoàng hôn (crepuscular), bắt nguồn từ từ "chạng vạng" trong tiếng Latin. Đây là lần đầu tiên các tia nắng Mặt Trời được quan sát rõ như vậy trên sao Hỏa.
Curiosity chụp cảnh tượng này trong cuộc khảo sát mây chạng vạng mới nhất, được tiến hành dựa trên các quan sát năm 2021 về mây dạ quang (noctilucent). Trong khi hầu hết các đám mây sao Hỏa lơ lửng cách mặt đất không quá 60 km và cấu tạo từ băng nước, thì mây trong ảnh chụp mới dường như ở độ cao lớn hơn, nơi đặc biệt lạnh. Điều đó cho thấy những đám mây này cấu tạo từ băng CO2, còn gọi là đá khô.
Giống như trên Trái Đất, mây cung cấp thông tin phức tạp và quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu thêm về thời tiết. Thông qua nghiên cứu thời gian và địa điểm mây hình thành, họ có thể hiểu rõ hơn thành phần, nhiệt độ của khí quyển cũng như gió sao Hỏa.