Quảng Ninh: Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi khai thác sét được hỗ trợ, đền bù di dời
Các hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng sạt lở tại đồi Tên Lửa (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) đã được lên phương án bồi thường, hỗ trợ để di dời đến nơi ở mới.
Nguyên nhân chính gây sạt lở là do khai thác sét
Tháng 8/2022, gần 20 hộ dân sống tại đồi Tên Lửa (tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh), gần mỏ khai thác đất sét của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Giếng Đáy (gọi tắt là Công ty Gốm) bị lâm vào cảnh sống “cheo leo” do nhà cửa ngả nghiêng, nứt toác, sụt lún và buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Tại thời điểm đó, UBND TP Hạ Long đã yêu cầu Công ty Gốm hỗ trợ tiền thuê nhà trong vòng 6 tháng và hỗ trợ tiền di chuyển tài sản cho các hộ dân. Đồng thời, phải thuê đơn vị tư vấn độc lập, có chức năng kiểm định để đánh giá mức độ sạt lở, nguyên nhân gây sạt lở đất và nứt công trình của các hộ dân xung quanh khu vực khai thác mỏ sét của Công ty… Đến tháng 9/2022, Công ty Gốm đã thuê đơn vị tư vấn là Viện Địa kỹ thuật và Công trình để triển khai thực hiện đánh giá mức độ, nguyên nhân gây sạt lở.
Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, UBND TP Hạ Long đã yêu cầu thuê thêm 1 đơn vị tư vấn đủ năng lực theo quy định pháp luật để thẩm tra hồ sơ báo cáo đánh giá sự cố của Viện Địa kỹ thuật và Công trình.
Ngày 7/3, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Trường Thành, Phó Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long thông tin: Dựa trên dữ liệu khảo sát hiện trạng địa hình khu vực, báo cáo của 2 đơn vị tư vấn kiểm định và thẩm tra đã xác định được 3 nguyên nhân dẫn đến sự cố sạt lở tại khu vực nói trên. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến việc sạt lở gây nứt, lún nhà của 16 hộ dân tại khu vực là do hoạt động khai thác sét của Công ty Gốm. Ngoài ra còn các nguyên nhân do hoạt động thi công tuyến đường từ ngã ba Kênh Đồng đến điểm đầu cầu Tình Yêu và do diễn biến xấu của thời tiết thì có mức độ tác động không đáng kể.
37 hộ dân và 1 trường học “lọt” vùng có nguy cơ sạt lở
Theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, xác định được sơ bộ 37 hộ dân có nhà, đất và một phần diện tích của Trường tiểu học Lý Thường Kiệt nằm trong khu vực dự báo có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở. Kinh phí dự toán để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng ước khoảng trên 58 tỷ đồng.
Trong đó, có 16 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở thuộc vùng A, nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác sét của Công ty Gốm. 21 hộ dân và một phần diện tích của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt thuộc vùng B và C sẽ có nguy cơ mất ổn định theo “hiệu ứng dây chuyền”. Tuy phần diện tích Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt được dự báo nằm trong vùng ít bị ảnh hưởng nhưng nếu hiện tượng sạt lở tại khu vực diễn biến theo hướng xấu, thì các công trình trường học nằm trong phần diện tích này cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
Trước thực tế trên, TP Hạ Long chỉ đạo tập trung khắc phục cấp bách sự cố sạt lở tại khu vực này. Trong đó, tổ chức làm việc với Công ty Gốm để thống nhất, triển khai thực hiện các nội dung: Công ty Gốm thực hiện trách nhiệm chi trả kinh phí bồi thường nhà, tài sản cho 16 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở trực tiếp; Phối hợp với Công ty Gốm để có phương án huy động các nguồn lực, tập trung san lấp ngay các moong sâu, hoàn nguyên khu vực khai trường trước mùa mưa bão năm 2023;…
Bên cạnh đó, yêu cầu các phòng, ban liên quan phối hợp xây dựng phương án di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy. Được biết, trong phương án sẽ có trách nhiệm của các đơn vị liên quan và các cơ chế chính sách, đền bù, bồi thường, tái định cư cho các hộ dân…
Thành phố cũng giao Phòng Quản lý đô thị tạm dừng cấp phép xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở đối với các hộ dân có nhà, đất nằm trong phạm vi vùng dự báo có nguy cơ sạt lở và giao UBND phường Giếng Đáy thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời phát hiện các khu vực có biến động địa chất bất thường để có biện pháp xử lý…
Bao giờ người dân mới được an cư?
Thông qua hội nghị triển khai xây dựng phương án di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở được UBND phường Giếng Đáy tổ chức vào ngày 2/3, các hộ dân đều cơ bản nắm được nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở cũng như chủ trương của Thành phố. Hầu hết các hộ dân đánh giá cao sự vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp và cũng rất đồng thuận với báo cáo kiểm định cũng như phương án mà thành phố đã chỉ ra đối với trách nhiệm của Công ty Gốm.
Tuy nhiên, vấn đề bức thiết mà 16 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng sạt lở trực tiếp đang quan tâm là bao nhiêu lâu nữa phương án di dời mới hoàn thành, được phê duyệt để thực hiện. Bởi họ đã phải sống trong cảnh ở trọ tạm bợ, chờ đợi hơn nửa năm qua mà vẫn chưa biết khi nào có thể an cư và ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Chọn, đại diện 16 hộ dân, thông tin: Phía Công ty Gốm nói rằng trước mắt sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân thêm 6 tháng tiền thuê nhà, còn việc chi trả, bồi thường cần phải đợi kết luận của cơ quan chức năng và Ban lãnh đạo Công ty họp bàn sau đó mới đưa ra câu trả lời.
Vì vậy, các hộ dân đều mong muốn Thành phố sớm xây dựng xong phương án di dời và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, tránh để việc thuê trọ của người dân kéo dài như hiện nay.
Ông Vũ Trường Thành, Phó Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long thông tin thêm: Hiện nay, các đơn vị của Thành phố đang vào cuộc rất tích cực, phấn đấu sẽ hoàn thiện việc phương án di dời cũng như hỗ trợ các hộ dân xong trước mùa mưa bão, dự kiến là trong tháng 6/2023.