Thấy gì khi các streamer làm loạn?
Việc các streamer (các YouTuber, TikToker, Facebooker) làm loạn tang lễ nghệ sĩ cải lương Vũ Linh khiến nhiều người vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Không chỉ bao vây, nhốn nháo để ghi hình, livestream, những người này còn liên tục đưa những thông tin sai lệch về đời tư nghệ sĩ, xông vào tận nơi quàn để ghi hình thi hài người quá cố rồi tung lên mạng.
Đưa những hình ảnh lộn xộn, nhóm người này còn “giật tít” một cách nhố nhăng: “Hot! Vợ nghệ sĩ Vũ Linh bất ngờ xuất hiện ở đám tang, quỳ gối trước linh cữu”; “Trực tiếp tại đám tang Vũ Linh: Nghệ sĩ Tài Linh ngã quỵ trước thi hài của Vũ Linh vì lời hứa dang dở”; “Nghệ sĩ Tài Linh từ Mỹ về Việt Nam, khóc lớn trước di ảnh của Vũ Linh”; “Nóng: Hoài Linh xuất hiện tại đám tang Vũ Linh, công bố di chúc của cố nghệ sĩ”…
Nghệ sĩ là “người của công chúng”. Vì thế, chiêu trò đưa tin giả về nghệ sĩ, nhất là khi họ qua đời (để cả đang còn sống vẫn bịa ra là đã chết) vốn đã trở thành vấn nạn. Nghệ sĩ bức xúc, thân nhân của nghệ sĩ bức xúc, công chúng phẫn nộ nhưng các video xấu xí đó vẫn tồn tại. Tới tang lễ của nghệ sĩ Vũ Linh thì sự việc có thể coi là đỉnh điểm. Các streamer đông tới gần trăm người chực chờ, lao vào quấy đảo tang lễ. Mỗi khi có người nổi tiếng tới viếng thì họ ùa tới, tìm mọi cách xông vào, giơ điện thoại sát mặt để ghi hình. Trong lúc người đến viếng và thân nhân người quá cố kính cẩn, trang nghiêm, buồn bã thì nhóm streamer vẫn thản nhiên cười đùa.
Tang lễ không phải là sân khấu trình diễn, không phải nơi để làm ăn, không phải là “chốn ăn theo” trước sự ra đi của nghệ sĩ nổi tiếng. Lại càng không thể chỉ vì mong nhận được nhiều người xem trên mạng mà bịa đặt trắng trợn, xúc phạm đến người đã khuất và cả người thân của họ, những người hâm mộ họ. Con và cháu của nghệ sĩ Vũ Linh rất đau lòng khi nhiều streamer đăng tải clip có nội dung sai lệch: “Ông hoàng cải lương Hồ Quảng Vũ Linh thời trẻ ăn chơi, nên cuối đời tán gia bại sản, sống trong cô độc nghèo khó”; “Vợ và con ruột của Vũ Linh xuất hiện ở đám tang gây rối, đòi chia tài sản”; “Di chúc của Vũ Linh là để tài sản lại cho con gái nuôi nghệ sĩ Bình Tinh”… Cực chẳng đã, đại diện gia đình phải lên tiếng đính chính để bảo vệ danh dự của người đã khuất, nói như van nài nhóm streamer để người đã khuất được yên nghỉ.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương (Đoàn Luật sư TPHCM), hành vi của các TikToker, YouTuber, Facebooker nói trên là vi phạm pháp luật vì xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của những người đã mất và thân nhân của họ, theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự. Cùng đó, Điều 8, Điều 16 và Điều 18 Luật An ninh mạng cũng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để “thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng; có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù. Việc sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội cũng là một tình tiết làm tăng nặng hình phạt.
Luật pháp là thế. Nhưng trong câu chuyện này còn có nỗi đau về đạo đức. Đạo đức xuống cấp của một số người thiếu lương tâm khi tự nhận mình là những streamer để thản nhiên xúc phạm đến người khác.