Doanh nghiệp nợ tiền Bảo hiểm xã hội: Quyền lợi của người lao động giải quyết thế nào?

Khanh Lê 09/03/2023 06:30

Việc các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động mà còn nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), khiến quyền lợi của người lao động (NLĐ) có nguy cơ mất trắng.

Thu nhập eo hẹp, tài sản quý giá của người lao động là sổ Bảo hiểm xã hội.

Đề xuất được hưởng lương hưu

Tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài, dai dẳng ở hầu khắp các địa phương trên toàn quốc và thực trạng này đang ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Theo thống kê, đến hết năm 2022, nợ BHXH tại các doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của gần 206.500 lao động.

Để giải quyết kịp thời quyền lợi cho NLĐ và thân nhân NLĐ, mới đây, BHXH Việt Nam đề xuất giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với một số trường hợp.

Cụ thể, NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu. NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng BHXH dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên) mà NLĐ có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH.

Các chế độ BHXH một lần, chế độ tử tuất, ốm đau, thai sản căn cứ trên cơ sở thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận. Tùy từng chế độ, ngành BHXH đề xuất được giải quyết quyền lợi cho NLĐ theo các quy định hiện hành, nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ không bị ảnh hưởng theo nợ BHXH.

Ngoài đề xuất trên, BHXH Việt Nam cũng đề nghị cho phép giải quyết hưởng BHXH 1 lần với một số trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH; ra nước ngoài định cư; bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS); sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan nghiệp vụ, người làm công tác cơ yếu trong lực lượng vũ trang phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu; lao động đóng BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc và người đóng BHXH tự nguyện sau 1 năm không đóng tiếp mà chưa đủ 20 năm.

Số tiền hưởng 1 lần được tính trên thời gian thực đóng, không tính lúc bị nợ. Nếu tiền nợ sau đó được đơn vị hoặc nguồn tài chính khác đóng bù thì giải quyết bổ sung BHXH 1 lần.

Có chốt được sổ Bảo hiểm xã hội khi doanh nghiệp nợ?

Điểm a, b, Khoản 2 Công văn 2266/BHXH-BT có hướng dẫn như sau: DN trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có NLĐ chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của NLĐ đến thời điểm DN đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của DN thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của NLĐ.

Đối với DN thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), nếu giám đốc DN có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, NLĐ thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của DN để giải quyết.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi phát hiện DN chậm, trốn đóng BHXH, BHYT để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NLĐ cần thực hiện các cách giải quyết sau đây: Thứ nhất, NLĐ khiếu nại đến ban giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty. Khi đó, NLĐ yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH. Thứ hai, NLĐ khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH, nơi DN đặt trụ sở chính để được cơ quan này bảo vệ quyền lợi cho mình.

Khanh Lê