Đẩy mạnh tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất
Ngày 9/3, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định Hội thảo nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong công tác xây dựng và ban hành chính sách pháp luật về đất đai và đang công tác tại các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội, các hiệp hội cũng như các học giả, nhà nghiên cứu của nhiều trường đại học trên cả nước. Những quan điểm, ý kiến của các đại biểu là những đóng góp quan trọng cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham luận tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định MTTQ Việt Nam có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một quy định hoàn toàn mới, thể hiện sự kỳ vọng cao của Đảng cũng như cơ quan soạn thảo vào vai trò của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, quy định chỉ có MTTQ Việt Nam có quyền này thôi là chưa phản ánh đầy đủ tính chất của tổ chức Mặt trận, chưa huy động được sức mạnh trí tuệ của hệ thống Mặt trận vào hoạt động quan trọng này của nhà nước.
Ông Pha đề xuất, Điều 20 dự thảo Luật cần quy định ngoài MTTQ Việt Nam thì cần có một số tổ chức thành viên có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc quy định thêm các đối tượng này sẽ tạo thêm sức mạnh cho hệ thống Mặt trận, để sự tham gia của khối Mặt trận vào các hoạt động quản lý, sử dụng đất đai của nhà nước thực sự có chất lượng, tránh hình thức.
Theo TS Nguyễn Văn Pha, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở cả bình diện quốc gia và mỗi địa phương. Chính vì thế MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không thể tham gia theo hình thức hành chính hay tham vấn chuyên gia được. Để ý kiến tham gia của mình thực sự có chất lượng, thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của người dân thì Mặt trận phải có các hình thức thích hợp để tham vấn ý kiến người dân.
Vì thế, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định bên cạnh MTTQ Việt Nam, còn phải có thêm một số tổ chức thành viên khác, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội. Trong Hội đồng thẩm định giá đất, Mặt trận và các tổ chức thành viên không thể làm việc theo lối hành chính. Để có ý kiến thực sự xác đáng, mang hơi thở của cuộc sống thì cần phải có quy định bắt buộc các tổ chức này phải tham vấn ý kiến người dân, nhất là người dân chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dự án. Có như vậy, việc tham gia của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong Hội đồng thẩm định giá đất mới thực sự có ý nghĩa.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp vào các nội dung khác của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, thu hồi đất, trưng dụng đất,…